Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với các báo cáo; đồng thời đánh giá cao và đồng tình các báo cáo một số ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về các nội dung này.
Các ý kiến nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác này; đã đưa ra dự báo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2025 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác; đồng thời triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội (QH) trong hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản; một số loại tội phạm tăng mạnh, trong đó có một phần nguyên nhân từ công tác phòng ngừa.
Các ý kiến cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá, phân tích cụ thể được thực trạng tình hình vi phạm trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước và công tác xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực của các Bộ, ngành; một số nội dung báo cáo còn chưa đầy đủ theo yêu cầu đề cương… Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể làm cơ sở đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa các mặt công tác này trong thời gian tới.
Riêng về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao cảnh giác của người dân, đưa ra những giải pháp cụ thể, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường đội ngũ cán bộ, trang bị kịp thời các phương tiện nghiệp vụ đối với lực lượng công an cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm này.
|
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện các báo cáo. |
Có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp để trục lợi
Liên quan đến Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, các ý kiến nhận thấy, Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC được chuẩn bị nghiêm túc, đúng thời hạn, bám sát đề cương theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp và phản ánh cơ bản toàn diện công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, Báo cáo chưa đánh giá đầy đủ về nguyên nhân dẫn tới hạn chế trên một số mặt công tác (như tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự chưa đạt yêu cầu của QH…). Vì vậy, các ý kiến đề nghị Viện trưởng VKSNDTC tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện các nội dung này trong Báo cáo công tác 12 tháng trình QH.
Về Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2024, các ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về công tác PCTN, TC được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, tình trạng TN, TC trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN và nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, các ý kiến cho rằng, nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Do đó, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp hoàn thiện các Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH và sau khi có báo cáo cả năm của các cơ quan tư pháp, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện để trình QH tại Kỳ họp thứ 8 tới.