Sáng 21/9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ tháng 6 đến tháng 8 số trường hợp nhiễm bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt.
Trong số ca bệnh được ghi nhận, có 138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng, 4 ca tử vong tại Đắk Nông (2 trường hợp), Gia Lai (1 trường hợp), Kon Tum (1 trường hợp). Số ca mắc từ 3 tháng tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.
Theo ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Có đến hơn 80% trường hợp nhiễm bạch hầu do chưa tiên chủng đầy đủ. Những nơi xuất hiện ổ dịch đa số đều là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống khó khăn, bất đồng ngôn ngữ và không hợp tác tiêm chủng".
Ông Dương cũng cho biết thêm, một số khu vực người dân do lâu không ghi nhận ca nhiễm bạch hầu dẫn đến việc cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chuẩn đoán bệnh, giám sát và phát hiện kịp thời.
Ông Dương cũng khẳng định:" Bạch hầu là bệnh xảy ra ở trẻ em và người lớn, thường xuất hiện ở những cộng đồng dân cư có tỷ lệ tiêm chủng thấp hay còn gọi là vùng lõm tiêm chủng. Đặc biệt, tất cả người lành mang trùng đều được coi là ca bệnh xác định. Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn lây nhiễm bệnh. Người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, các trường hợp này phải được báo cáo, xử lý theo quy định. Trong báo cáo ca bệnh xác định cần phân loại rõ ca bệnh có triệu chứng và người lành mang trùng".
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh:" Với dịch bệnh đã có vắc xin, công tác tiêm chủng là đặc biệt quan trọng. Đặc biệt là với tình hình dịch bạch hầu xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên vừa qua, đa số các ca bệnh xảy ra ở "vùng lõm" tiêm chủng. Vì vậy, phải giải quyết nhanh chóng tình trạng ‘vùng lõm’ tiêm chủng với bệnh bạch hầu".
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ông Dương cho biết:" Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm vaccine. Trẻ em dưới 1 tuổi phải được tiêm vaccine phòng bạch hầu mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi; trẻ từ 1 tuổi trở lên, người lớn cần tiêm 3 mũi cơ bản theo lịch, tiêm nhắc lại 2 mũi vaccine cách nhau tối thiểu 1 năm".
Để chủ động phòng, chống dịch bạch hầu, các địa phương phải tiến hành biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt trong vòng 24h kể từ khi phát hiện ca bệnh. Tất cả bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu đều phải đeo khẩu trang, cách ly tại các cơ sở y tế. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và chuyển ngay đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm và quản lý, điều trị.
"Nếu trong nhà có người nhiễm bệnh, nơi ở của bệnh nhân và các gia đình xung quanh đều phải được khử trùng. Quần áo, chăn, màn, ga, gối,... đều phải được phơi dưới ánh nắng mặt trời. Bát, đũa, thìa, cốc,... phải dùng riêng tốt nhất là luộc nước sôi sau khi sử dụng", ông Dương chia sẻ.