Tính từ khi thành lập đến ngày 31/8/2016, Văn phòng TPL Thủ Đô đã tống đạt được 9.305 văn bản các loại, lập 381 vi bằng và tiến hành xác minh 1 vụ việc thi hành án. Tuy chế định TPL đã chính thức hoạt động từ 1/1/2016 nhưng người dân vẫn có thái độ e ngại, chưa sử dụng nhiều dịch vụ của TPL, một số cơ quan tư pháp, UBND xã, phường chưa kịp thời phối hợp, hỗ trợ thư ký nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ.
Trong công tác tống đạt văn bản, nhìn chung các cơ quan hữu trách như UBND, công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp để văn phòng TPL hoàn thành công việc của mình. Cán bộ khu phố, công chức đã tạo điều kiện giúp đỡ cho thư ký nghiệp vụ làm nhiệm vụ tống đạt văn bản để hoàn thành được công việc.
Bên cạnh đó, vẫn còn có cán bộ tư pháp xã, phường hoặc tổ trưởng dân phố chưa tận tâm giúp đỡ công việc của Thư ký nghiệp vụ. Do văn bản tống đạt cho một người nhưng tống đạt nhiều lần khác nhau nên tổ trưởng dân phố chỉ hợp tác ban đầu còn về sau đã từ chối không giúp đỡ.
Có trường hợp khi tống đạt không thành và Thư ký nghiệp vụ lập biên bản niêm yết thì cán bộ tư pháp phường yêu cầu lãnh đạo văn phòng phải ký và đóng dấu vào biên bản trước khi trình UBND ký xác nhận. Việc xin xác nhận này tốn nhiều thời gian nên gây khó khăn cho công việc tống đạt văn bản, nhất là văn bản có thời hạn như giấy báo, giấy triệu tập gấp.
Ngoài ra, trong văn bản tống đạt nhiều khi ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự sai sót, không cụ thể, cá biệt có văn bản ghi sai, nhầm lẫn họ, tên đương sự với nội dung văn bản nên cũng tạo ra khó khăn cho công việc tống đạt.
Cùng với đó, việc tuyển chọn, bố trí, sắp xếp nhân lực làm nhiệm vụ tống đạt cũng là một trong những khó khăn của các văn phòng TPL. Nhiều thư ký nghiệp vụ được tuyển vào làm việc và văn phòng đã phải đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho họ, nhưng khi họ tương đối thành thạo về chuyên môn tống đạt văn bản thì lại xin nghỉ việc vì văn phòng chậm trả lương, lương thấp, ít văn bản tống đạt…
Về việc lập vi bằng, do hiện nay chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực, một số việc nhất định cùng với việc người dân chưa hiểu về giá trị pháp lý của vi bằng nên nhu cầu lập vi bằng của người dân chưa cao. Đồng thời, cũng chưa có cách hiểu rõ ràng và thống nhất về giới hạn, thẩm quyền lập vi bằng để tránh nhầm lẫn sang lĩnh vực công chứng và chứng thực.
Để nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động, các văn phòng TPL đề xuất tăng mức kinh phí tống đạt văn bản; giảm thiểu xác nhận, con dấu của chính quyền địa phương trong các văn bản tống đạt và tăng cường trách nhiệm của TPL; cần có quy chế ủy thác tống đạt văn bản giữa các văn phòng với nhau; mở rộng phạm vi lập vi bằng…
Song, cần thiết nhất là Quốc hội cần sớm ban hành Luật về TPL, trước mắt là sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP cho phù hợp, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chế định TPL khi đã được chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2016. Cùng với đó, các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan cần vào cuộc một cách đồng bộ, kịp thời để đưa các hoạt động của TPL tiếp cận với người dân một cách dễ dàng và giúp TPL thực hiện thuận lợi các chức năng của mình.