Cần hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế

(PLVN) - Chiều 2/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp về chủ trương phân cấp, phân quyền dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và dự án Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Ảnh: TTXVN).

Phát triển các loại hình khu công nghiệp mới

Đối với dự án Luật Khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay quy định trực tiếp về quản lý KCN, KKT mới ở cấp Nghị định. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT được quy định ở nhiều luật khác nhau, trong đó một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ và chưa phù hợp với đặc điểm của KCN, KKT...

Vì vậy, dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách và định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển các KCN, KKT; tạo hành lang pháp lý riêng cho chính sách phát triển các loại hình KCN mới (sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ, KCN chuyên ngành, đặc thù…), khu chức năng mới trong KCN, KKT mới (khu thương mại tự do, khu phi thuế quan…); khắc phục kịp thời hạn chế, vướng mắc và bổ sung quy định mới mà pháp luật hiện hành chưa có về điều kiện, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư hạ tầng KCN, KKT (trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư các loại hình mới)…

Từ thực tế hoạt động, quản lý của các loại hình KCN, KKT hiện nay, tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, nhất là nội hàm, tiêu chí xác định của những loại hình KCN, KKT “mới chỉ có tên”, liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Ngoài ra, làm rõ điều kiện thành lập, hoạt động trong nội bộ KCN, KKT; chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp; điều chỉnh các loại hình KCN, KKT mới như KCN sinh thái, thông minh, công nghệ cao đặc thù; mối quan hệ với các luật chuyên ngành…

Phân cấp mạnh mẽ hơn cho các ban quản lý

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết của hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm quản lý các loại hình KCN, KKT hiện nay; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được quy định hoặc điều chỉnh trong luật chuyên ngành. Đồng thời, cũng cần có các tiêu chí xác định loại hình KCN, KKT mới, thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ lõi, lĩnh vực sản xuất nền tảng… nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong từng giai đoạn cụ thể.

Từ đó, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu thể chế hóa các chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính, thuế, đất đai; xây dựng mô hình mới thẩm quyền được phân cấp mạnh mẽ hơn cho các ban quản lý KCN, KKT; quy hoạch, bố trí đất đai, nguồn lực kèm theo, để “có chính sách hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư”.

“Các KCN, KKT phải là khu vực ưu tiên của đất nước, thí điểm chính sách, vườn ươm công nghệ nền tảng, công nghệ cốt lõi…”, Phó Thủ tướng gợi mở và yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp tục đánh giá, tổng kết quá trình xây dựng, quản lý các KCN, KKT, nhất là tồn tại, vướng mắc; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, mô hình, chính sách phát triển các KCN, KKT thành công trên thế giới; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính của các KCN, KKT.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu; cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN.

Đọc thêm