Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, việc tuyên truyền Hiến pháp cần được quan tâm và tiến hành một cách bài bản, khoa học nhằm góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn.
Nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân
Tại Hội nghị, các báo cáo viên, tuyên truyền viên của các Bộ, ngành, địa phương đã được nghe Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên giới thiệu về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, quan điểm, quá trình sửa đổi và phạm vi sửa đổi Hiến pháp năm 1992; những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những nội dung đổi mới quan trọng về các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến pháp, cả Viện trưởng Đinh Xuân Thảo và Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đều cho rằng Hiến pháp mới là cơ sở hiến định quan trọng mở đường cho việc tiếp tục thực hiện cải cách và phát triển mọi mặt của đất nước, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Với vai trò và ý nghĩa đặc biệt đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 32 về tổ chức thi hành Hiến pháp, xác định “Việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân”. Trên cơ sở Chỉ thị 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 718 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 251 để tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
Theo đó, đã xác định hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm tổ chức giới thiệu, tập huấn, phổ biến nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp; tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp.
Hiện Chính phủ vẫn đang tiến hành song song hai nhóm nhiệm vụ nêu trên một cách nghiêm túc, bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy vai trò của Hiến pháp và pháp luật.
Lựa chọn hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với vai trò là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp càng mang ý nghĩa quan trọng hơn, do đó cần được quan tâm và tổ chức một cách bài bản, khoa học trên phạm vi cả nước.
“Việc tạo ra cách hiểu đúng và thống nhất về nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Hiến pháp có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đề cao trách nhiệm của các báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc chuyển tải nội dung và tinh thần của Hiến pháp, Phó Thủ tướng nhắc nhở các báo cáo viên, tuyên truyền viên sau khi lĩnh hội sâu sắc nội dung Hiến pháp cần lựa chọn hình thức và phương pháp phù hợp với trình độ, nhận thức pháp lý của từng đối tượng người dân khi phổ biến, giới thiệu Hiến pháp cho họ.
Biểu dương sự chủ động, tích cực của nhiều Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời chỉ đạo và tạo điều kiện để các báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giới thiệu về Hiến pháp năm 2013 trong phạm vi cơ quan, địa phương mình; bảo đảm việc triển khai thi hành Hiến pháp được sâu rộng, hiệu quả, đưa Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống.