Trong lĩnh vực THADS, ở thời điểm Luật Tương trợ tư pháp được ban hành và có hiệu lực (từ 1/7/2008) cũng là thời điểm dự án Luật THADS năm 2008 đang được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập của Pháp lệnh THADS năm 2004, trong đó có đề cập đến những khoảng trống của Pháp lệnh này về vấn đề tương trợ tư pháp trong THADS. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật THADS năm 2008, vấn đề này cũng đã được quan tâm đặt ra. Tuy nhiên, dự án Luật cũng chỉ dừng lại ở việc bổ sung một điều luật để quy định về vấn đề này (Điều 181) và viện dẫn thực hiện tương trợ tư pháp theo Luật tương trợ tư pháp mà không có nội dung cụ thể cho lĩnh vực THADS.
Cụ thể, Điều 181 Luật THADS quy định: Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp. Cơ quan THADS có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ uỷ thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Đến năm 2014, Luật sửa đổi bổ sung Luật THADS năm 2008 tiếp tục đặt ra vấn đề này nhưng trong khi Luật Tương trợ tư pháp chưa sửa đổi, bổ sung thì quy định về ủy thác tư pháp trong THADS cũng chưa có bước sửa đổi, bổ sung đột phá nào và vẫn dừng lại ở duy nhất 1 điều luật (Điều 181) mang tính viện dẫn. Hiện Điều 50 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS là điều khoản duy nhất điều chỉnh vấn đề thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài thông qua các quy định về tương trợ tư pháp trong thi hành án.
Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định về thẩm quyền ủy thác tư pháp về THADS nhưng thủ tục còn áp dụng chung cho cơ quan có thẩm quyền có nhu cầu ủy thác tư pháp. Do đó, cần thiết phải có quy định cụ thể để áp dụng cho việc ủy thác tư pháp trong lĩnh vực THADS.
Mặt khác, phạm vi tương trợ tư pháp về THADS hiện này còn hẹp, chỉ giới hạn ở việc tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án. Theo quy định tại Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp, phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự chỉ gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực THADS, việc tương trợ tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài rất cần thiết để thực hiện các việc như: Tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án (địa chỉ, nơi làm việc, thu nhập.. ) của người phải thi hành án; tạm giữ, phong toả, kê biên tài sản để thi hành án; công nhận và cho thi hành tại nước ngoài bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh của Việt Nam đối với công dân, tổ chức nước ngoài…
Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan THADS chỉ có quyền và phía nước ngoài cũng chỉ chấp nhận việc ủy thác tư pháp liên quan đến việc tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án. Từ đó dẫn tới tình trạng dù có thông tin về tài sản của người thi hành án ở nước ngoài thì cơ quan THADS Việt Nam cũng không thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thi hành vì để được thi hành thì bản án của tòa án Việt Nam phải được công nhận tại nước đó.
Đối với các vụ việc THADS theo yêu cầu thì người được thi hành phải tự làm thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Việt Nam tại nước ngoài và sau đó tự tiến hành các thủ tục thi hành tại phía nước ngoài. Tương tự như vậy, đối với các loại vụ việc thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định chủ động nếu là phần thi hành án phí dân sự cho Nhà nước trong các vụ án dân sự thì cơ quan thi hành án cũng phải tiến hành thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án Việt Nam tại nước ngoài nhưng hiện Luật THADS chưa quy định, trình tự, thủ tục thực hiện.
Ngoài ra, việc truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính do phạm tội mà có thì được thực hiện theo kênh tương trợ tư pháp hình sự; thi hành hình phạt tiền, án phí hình sự thì phải thực hiện công nhận và cho thi hành bản án hình sự của Việt Nam ở nước ngoài nhưng pháp luật trong nước chưa có quy định và Việt Nam cũng chưa ký, tham gia điều ước quốc tế nào điều chỉnh vấn đề này. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong tương trợ tư pháp nói chung và tương trợ tư pháp trong THADS nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS trong khi làm nhiệm vụ.