Điều đáng lo ngại, thuốc đông y hiện nay không chỉ được bán tại các phòng khám, nhà thuốc mà còn được phân phối nhộn nhịp qua các kênh mạng xã hội, các diễn đàn mua bán trên internet. Với nhiều chiêu thức quảng cáo sản phẩm dụ dỗ, những lời quảng cáo mời chào mật ngọt, công dụng thần kỳ đánh vào tâm lý người bệnh an toàn, lành tính cùng nhiều tác dụng bổ cho sức khỏe, trong khi người bệnh không được thăm khám trực tiếp để có chẩn đoán chính xác.
Thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, ngành dược sử dụng từ 60 - 80 nghìn tấn dược liệu các loại. Trong khi đó, thông qua các đơn vị được cấp phép nhập khẩu dược liệu, tính trong tháng 3/2018, chỉ có khoảng hơn 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, điều này cho thấy việc quản lý tình hình nhập khẩu dược liệu vẫn đang hết sức khó khăn.
Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, qua công tác giám sát chất lượng thuốc trên thị trường hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm nhận thấy nhóm dược liệu và thuốc đông y là nhóm thuốc có tỷ lệ không đạt chuẩn chất lượng và thuốc giả cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nguồn dược liệu chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc hoặc cơ sở nhỏ lẻ tự phát không được kiểm soát chất lượng.
Điểm cốt lõi để những ca bệnh cấp cứu vì ngộ độc khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc vẫn ngày càng diễn ra liên tiếp trong suốt nhiều năm qua xuất phát chính từ sự cả tin, tâm lý có bệnh thì vái tứ phương của đại bộ phận người dân khi nghe đồn ở đâu có thuốc hay, thuốc tốt đành bỏ tiền mua thuốc, mua chính sự nguy hiểm về uống, không cần quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ ra sao cũng là một phần khiến cho thuốc đông y trôi nổi có đất để lộng hành. Để kiểm soát được thị trường đông dược, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thời gian tới, ngành Y tế cho biết sẽ tăng cường lực lượng thanh tra y tế, nhất là những người có chuyên môn về y học cổ truyền. Về lâu dài sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất dược liệu trong nước, góp phần hạn chế các loại đông dược không bảo đảm chất lượng nhập lậu từ nước ngoài.