|
Ảnh minh hoạ. |
Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà trả lời: Căn cứ theo điều 579 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.”
Mặt khác, tại khoản 2 điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) đã quy định chủ tài khoản có nghĩa vụ: “Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi có vào tài khoản thanh toán của mình. Căn cứ theo các quy định nêu trên, chủ tài khoản có nghĩa vụ hoàn trả số tiền được chuyển vào tài khoản của mình do sai sót, nhầm lẫn”.
Đối chiếu vào trường hợp của bạn, sau khi chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác, bạn cần mang theo CCCD, thẻ ATM, hóa đơn chuyển khoản in ra từ máy ATM, và cung cấp thông tin về số tài khoản và chữ ký của bạn, số tài khoản chuyển nhầm, số tài khoản đúng mà bạn muốn chuyển đến, đến ngân hàng nơi bạn chuyển tiền để báo về việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản. Đồng thời, bạn có thể yêu cầu ngân hàng tra soát, rà soát đối với sai sót giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng.
Trường hợp ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót sẽ thông báo cho chủ tài khoản và thực hiện phong tỏa, tạm khóa tài khoản cho đến khi làm rõ, khắc phục xong những sai sót trên. Nếu tài khoản thụ hưởng đã bị khóa, hoặc bị phong tỏa vẫn còn số tiền bạn chuyển đến thì Ngân hàng sẽ chuyển tiền trả lại cho bạn.
Nếu số tiền gửi nhầm vào tài khoản đã được rút, ngân hàng sẽ thông báo và liên lạc với chủ tài khoản để yêu cầu trả lại số tiền trên. Trường hợp chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, thì bạn có thể đề nghị Ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền trên.
Trong trường hợp này, nếu người nhận được tiền chuyển nhầm mà cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì sẽ bị xem xét xử phạt hành chính từ 3 đến 5 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, bị buộc trả lại tài sản do hành vi chiếm giữ trái phép gây ra.
Nếu việc chiếm giữ hay sử dụng tài sản của người khác có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sảnhoặc tội sử dụng trái phép tài sản của người khác theo các điều 176, 177 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt đối với các tội danh này sẽ tuỳ theo mức độ, tính chất và số tiền mà người thực hiện hành vi đã chiếm giữ, sử dụng trái phép.