Phấn đấu xây dựng TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Theo Tờ trình Chính phủ, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô xác định, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Quy hoạch Thủ đô cũng đưa ra 5 quan điểm phát triển, 3 định hướng phát triển không gian và 3 kịch bản phát triển với các mục tiêu như, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...
Về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, theo Tờ trình, định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội là phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực, gồm 5 vùng được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm. Đồng thời, hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. TP Hà Nội đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm như phát triển liên kết vùng, phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát triển vị trí 2 bên sông Hồng như biểu tượng phát triển Thủ đô, áp dụng mô hình “TP trong Thủ đô”, phát triển Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam...
Bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch quốc gia
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đánh giá Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã bám sát các quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu cũng tán thành với 5 quan điểm phát triển, 3 định hướng phát triển không gian, 3 kịch bản phát triển được Quy hoạch Thủ đô xác định.
Tuy nhiên, xét theo thực trạng, tồn tại, hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải, các đại biểu cũng đặt vấn đề về tính khả thi trong thực hiện các đồ án quy hoạch, trong đó có các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường, hạ tầng, kỹ thuật thiếu đồng bộ. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại các định hướng không gian, mục tiêu phát triển tại Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Một số ý kiến đề nghị làm rõ nguồn lực để thực hiện mục tiêu quy hoạch và đề xuất cơ chế đặc thù phát triển để bảo đảm tính khả thi.
Theo dự kiến, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra. Việc Quốc hội cho ý kiến về 2 quy hoạch này sẽ bảo đảm triển khai thực hiện luật mang tính cấp bách và quan trọng là Luật Thủ đô (sửa đổi), cũng dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội), chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải là nước thu nhập cao, ngang tầm với các nước phát triển. Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Hà Nội là Thủ đô đứng hàng đầu các nước trong khu vực, ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới. “Lộ trình đó đạt được hay không phụ thuộc vào khai thác quy chế, cơ chế đã được đưa ra đặc thù vượt trội cho Thủ đô; đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ của chính quyền Thủ đô trong chuyển đổi mà còn sự tập trung nguồn lực rất lớn của xã hội để tạo ra bộ mặt cho đất nước thực sự đột phá, xứng tầm với nước phát triển”, Đại biểu nói.