Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Con người là trung tâm của sự phát triển

(PLVN) - Bộ Chính trị lưu ý, đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng.
Bộ Chính trị lưu ý cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN).
Bộ Chính trị lưu ý cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN).

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô). Tại Kết luận, Bộ Chính trị yêu cầu kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”.

Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô. Đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của “điểm nghẽn, nút thắt”, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện. “Giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi)”, Kết luận nêu rõ.

Bộ Chính trị cũng thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng

Đặc biệt, Bộ Chính trị lưu ý cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.

Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông. Bộ Chính trị cũng lưu ý kế thừa định hướng quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các TP trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái; phát triển đô thị theo mô hình TOD, xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước…

Kết luận số 80-KL/TW sẽ là căn cứ chính trị quan trọng để TP Hà Nội sớm hoàn thiện 2 bản Quy hoạch với chất lượng và tính khả thi cao để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra. Khi được ban hành, cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho phát triển Thủ đô, cũng như tạo lập không gian phát triển mới, với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài như kỳ vọng của Bộ Chính trị.

Tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp Quốc hội thứ 7: Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trong tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7 (từ hôm nay - 27/5 đến 31/5), Quốc hội (QH) thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Theo đó, QH sẽ thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Ngoài ra, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

QH cũng thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đáng chú ý, QH dành cả ngày thứ Tư (29/5) để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Phiên họp này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. S.Thu

Đọc thêm