Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được ban hành đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đưa các quy định của Luật XLVPHC số 15/2021/QH13 ngày 20/6/2021 về áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn vào cuộc sống. Các nghị định đã quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, ra quyết định, thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho lực lượng thực thi công vụ được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, các nghị định cũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Đồng thời, để phù hợp với các quy định của Luật số 67/2020/QH14 và Luật số 73/2021/QH14 về Phòng, chống ma túy, thì việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn để thay thế 2 Nghị định là hết sức cần thiết.
Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định là việc tổ chức quản lý người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định. Khoản 5, Điều 90 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã quy định bổ sung đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là “người từ đủ 14 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. Đồng thời, khoản 7 Điều 90 cũng quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên quy định tại khoản 5 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì giao cho UBND cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba tổ chức quản lý”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp |
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn dự kiến đề xuất bổ sung một quy định riêng về việc “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục là người không có nơi cư trú ổn đinh” (Điều 26 dự thảo Nghị định). Trong đó quy định Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ giao Công an xã thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng rất khó xác định thế nào là nơi cư trú không ổn định. Theo đó, có thể chia 2 trường hợp là người vi phạm có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa phương nhưng khi kiểm tra lại vắng mặt ở nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp khác là người vi phạm có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa phương nhưng thường xuyên vắng mặt và đến nơi khác cư trú ổn định. Đối với các trường hợp này, công an phải tổ chức xác minh, có xác nhận của gia đình, chính quyền, tổ dân phố… xác định không rõ ở đâu, làm gì, thường xuyên không có mặt ở địa phương thì mới xác nhận là đối tượng không có nơi cư trú ổn định.
Còn ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nhận định: hiện nay đối tượng áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn được chia thành hai loại đó là có nơi cư trú ổn định và không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là ổn định hay không ổn định còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa ra tiêu chí để xác định vấn đề này hoặc biện pháp để giảm bớt tình trạng tùy tiện trong xác định tính chất ổn định của nơi cư trú.
Về vấn đề giao công an xã thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục, đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho rằng không nên quy định cứng giao lực lượng công an mà có thể huy động lực lượng khác để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn. Bởi trong tình hình hiện nay nếu giao công an xã thực hiện công tác này sẽ gây ra nhiều khó khăn xuất phát từ tâm lý e ngại của đối tượng đang chịu áp dụng các biện pháp; lực lượng công an xã từng bước chính quy nhưng khá mỏng ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu vùng xa; các biện pháp giáo dục liên quan nhiều đến các vấn đề khác như kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề nên giao UBND xã thực hiện sẽ đồng bộ hơn…
Đại diện Sở Tư pháp TP. Hà Nội, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng không nên quy định cứng giao cho công an vì nhiều nơi lực lượng công an chính quy còn mỏng. Vấn đề này nên giao UBND cấp xã để chỉ đạo các cơ quan chức năng, bố trí nguồn tài chính để tổ chức thực hiện.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Trưởng Ban soạn cơ bản nhất trí với các nội dung lớn được đưa vào dự thảo Nghị định đồng thời cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với một số vấn để lựa chọn phương án khả thi, tối ưu nhất.
Đối với việc xác định nơi cư trú ổn định, không ổn định của đối tượng chịu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc, tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp. Về việc tổ chức quản lý người không có nơi cư trú ổn định, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, xây dựng quy định theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn đó là không quy định cứng là giao công an xã mà chỉ xác định đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác này.
“Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú. Hơn nữa, các chức danh Công an xã, phường, thị trấn hiện nay đã do Công an chính quy đảm nhiệm, đây đều là những cán bộ, chiến sĩ có kỹ năng, nghiệp vụ tổ trong việc bảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Mặt khác, mục đích của việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính là giáo dục chứ không phải cách ly đối tượng khỏi cộng đồng. Do đó, giao công an quản lý các đối tượng này sẽ có những thuận tiện nhất định, tuy nhiên, cần huy động thêm các tổ chức, lực lượng khác như tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn”, Thứ trưởng Oanh cho biết.