Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực chủ trì Hội thảo; tham dự có bà Kamada Sakiko - Chuyên gia Dự án JICA cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục và Thủ trưởng cơ quan THADS địa phương.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục THADS Lê Thị Thu Hiền báo cáo khái quát kết quả khảo sát thực tiễn thi hành Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành tại 5 địa phương |
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực khẳng định việc ban hành Luật THADS cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hệ thống pháp luật thi hành án cơ bản đồng bộ. Việc tổ chức thi hành Luật THADS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác THADS được nâng lên; vị thế cơ quan THADS được nâng lên một bước, nhờ đó kết quả công tác THADS có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sau 8 năm thực hiện Luật THADS năm 2008; 5 năm thực hiện Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cùng các văn bản liên quan đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định. Từ đó đặt ra nhu cầu cần được rà soát, tổng hợp để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực khẳngđịnh, việc tổ chức thi hành Luật THADS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng |
Ông Lực cho biết thêm, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Dự án JICA, Tổng cục THADS đã thành lập đoàn khảo sát đánh giá pháp luật và thực tiễn áp dụng Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn tại Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Gia Lai, Phú Yên. Từ đó dự kiến các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổng hợp để tiến tới sửa đổi Luật THADS sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cùng các văn bản pháp luật có liên quan.
Tiếp đó, Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS đã khái quát các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật THADS và dự kiến phương án giải quyết. Theo đó, khó khăn chủ yếu thuộc 14 nhóm vấn đề về: quy định về những bản án, quyết định được đưa ra thi hành; thẩm quyền ra quyết định thi hành án giữa Cục và Chi cục; ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu hay chủ động; việc xác định án chưa có điều kiện thi hành; chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với người thứ ba; ủy thác thi hành án; thứ tự thanh toán tiền thi hành án; đình chỉ thi hành án; việc định giá lại tài sản kê biên; giảm giá, bán đấu giá tài sản; kê biên quyền sự dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; tiêu hủy tài sản không còn giá trị sử dụng; hoãn thi hành án trong trường hợp có tranh chấp tài sản; trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án.
Ngoài ra, Vụ Nghiệp vụ 1 đã tổng hợp các nội dung vướng mắc, cần được sửa đổi của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Bao gồm: từ chối yêu cầu THADS; ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án; về vụ việc chưa có điều kiện thi hành đưa vào Sổ theo dõi riêng; công khai thông tin của người phải thi hành án; thông báo thi hành án; xác định tài sản “có giá trị lớn nhất” theo quy định về ủy thác thi hành án; phân chia, xử lý tài sản chung; xử lý số tiền đặt trước trong quy định giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục thanh toán tiền; công tác cán bộ.
Cùng với đó, còn có nhiều nội dung được đề xuất bổ sung bao gồm: quy định ủy thác đến nơi người được thi hành án có điều kiện; ủy thác xác minh; người trúng đấu giá không nhận tài sản; đình chỉ thi hành án; xử lý tài sản bị tạm giữ; xét, miễn giảm thi hành án; ủy thác tư pháp.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Lý, Trưởng phòng tham mưu tổng hợp, Vụ 11, Viện KSNDTC khẳng định việc sửa đổi Luật THADS và các văn bản liên quan là vô cùng cần thiết. Theo đó, bà Lý cũng góp ý về một số quy định cụ thể như cần điều kiện xét miễn, giảm thi hành án đơn giản hơn để tạo điều kiện cho người thi hành án; đề xuất khôi phục quy định về trả lại đơn yêu cầu thi hành án với vụ việc chưa có điều kiện thi hành; liên ngành cần có hướng dẫn cụ thể về thứ tự thanh toán tiền thi hành án…
Nhận định lĩnh vực THADS còn nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân như quy định pháp luật chưa rõ ràng, thiếu đồng hộ; bản án tuyên không rõ ràng; công tác phối hợp chưa đạt hiệu quả, đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TANDTC nhấn mạnh cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS và các văn bản liên quan, đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong THADS.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Vũ Hồng Dương, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác THADS còn ở mức độ, việc chuyển giao bản án cùng các tài liệu liên quan còn chưa kịp thời; việc giải thích bản án còn chậm, chưa rõ ràng, nhất là đối với án tín dụng ngân hàng, khởi kiện tranh chấp, phân định tài sản trong khối tài sản chung; phối hợp liên ngành khi thực hiện cưỡng chế còn hạn chế. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản liên quan cần khẳng định rõ nét và nêu cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác phối hợp như Tòa án, Viện kiểm sát, Ngân hàng…
Cục trưởng Cục THADS Lào Cai Lê Anh Tuấn đề xuất bổ sung một số quy định nhằm nâng cao vị thế của cơ quan THADS như có quyền khám xét, thu giữ tài sản với mục đích tìm ra tài sản, xác định đúng điều kiện thi hành án, hạn chế tình trạng đương sự tẩu tán tài sản. Cùng với đó, cần tăng cường các quyền của Chấp hành viên, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp để thuận lợi thực hiện các nhiệm vụ.