Cần lộ trình phù hợp khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 16/7, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức Hội thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh vietnamnet.vn)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh vietnamnet.vn)

Giới thiệu một số nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), bà Lê Thùy Linh - Phó Trưởng phòng (Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí - Bộ Tài chính) nêu rõ mức thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, dự thảo Luật giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từ năm 2026-2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%) với 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1, mỗi năm tăng thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao để đến năm 2030 có mức thuế 10.000 đồng/bao đối với thuốc lá điếu; tăng 20.000 đồng để đến năm 2030 có mức thuế 100.000 đồng đối với xì gà (điếu) và đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml).

Phương án 2, năm 2026 tăng 5.000 đồng/bao, sau đó mỗi năm tăng 1.000 đồng/bao và đến năm 2030 đạt mức tăng 10.000 đồng/bao đối với thuốc lá điếu; năm 2026 tăng 50.000 đồng, sau đó mỗi năm tăng 10.000 đồng và đến năm 2030 đạt mức tăng 100.000 đồng đối với xì gà (điếu) và đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml).

Các ý kiến tại Hội thảo đều đồng tình với việc sửa đổi quy định tăng thuế TTĐB với thuốc lá nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên của Bộ Tài chính được các đại biểu đánh giá là mức thuế cao, tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá ở nhiều khía cạnh.

Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Kiều Dương phân tích, khi thuế với thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá của thuốc lá hợp pháp sẽ tăng cao, càng đẩy người tiêu dùng tìm đến thuốc lá lậu. Trước tình hình công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách thuế với thuốc lá hợp pháp cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách khoa học, hợp lý để làm suy giảm động lực của những người tham gia buôn lậu, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu PCTHTL.

Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cùng một số doanh nghiệp chỉ rõ, việc tăng thuế cao và đột ngột đã có nhiều bài học kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cũng như trong khu vực Đông Nam Á khi không hỗ trợ được các quốc gia đạt mục tiêu tăng thu thuế đối với ngành hàng thuốc lá và giảm tỷ lệ người hút.

Trong bối cảnh chung hiện này, các ý kiến này kiến nghị, việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá nên được thực hiện từng bước, ở mức độ vừa phải; kế hoạch tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý và có định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa các mục tiêu.

Chẳng hạn, riêng với thuốc lá điếu, Hiệp hội đề xuất 2 phương án khác nhau nhưng đều có mức khởi điểm từ 1.000 đồng/bao năm 2026 và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao nhằm tránh cú sốc về tăng giá bán thuốc lá hợp pháp, giảm thiểu biến động lớn, từ đó có cơ hội bình ổn thị trường, ngăn chặn thuốc lá lậu

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Minh Tân, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án, phía các doanh nghiệp ngành hàng thuốc lá đưa phương án thứ 3 với 2 phương án tăng thuế. Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm, do vậy, các bên cần cung cấp các căn cứ thực tiễn, thông tin kịp thời đến các đại biểu Quốc hội. Vụ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến để tham mưu cho Quốc hội thời gian tới.

TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhận định, hiện nay doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, ngành hàng, trong đó có thuốc lá, đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu áp dụng mức thuế từ năm 2026 sẽ là một nội dung cần Bộ Tài chính nghiên cứu, cân nhắc để có mức thuế, lộ trình phù hợp. Mức thuế và lộ trình tại dự thảo Luật gây sốc cho nhiều ngành hàng, không riêng thuốc lá, khiến DN không kịp phản ứng.

“Nên chăng cân nhắc những yếu tố bảo đảm sự ổn định của môi trường đầu tư, kinh doanh, tránh ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư, thậm chí cả tác động lan tỏa trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần đánh giá tác động về y tế, kinh tế, xã hội, sinh kế của người dân”, bà Thảo kiến nghị và cho rằng bản thân hành vi của nhà sản xuất cũng cần thay đổi, đầu tư công nghệ sản xuất mặt hàng để thân thiện hơn với môi trường, ảnh hưởng ít hơn đến sức khỏe của người dân…

Đọc thêm