Cần bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp hợp pháp
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) cho rằng, quyền tự do báo chí có nhiều cách hiểu khác nhau, cần giải thích ngay trong luật để tạo điều kiện thực thi quyền này của công dân. Đồng thời, cần luật hóa vấn đề thực hiện quy chế phát ngôn, không để những “khoảng trống” thông tin làm thông tin không chính thống phát triển.
ĐB cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý báo chí cần chủ động cung cấp, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí.
Hơn nữa, nghề làm báo là một trong những nghề có nhiều rủi ro, nguy hiểm. Thực tế cho thấy có nhiều hành vi cản trở, hành hung nhà báo, song cơ chế đảm bảo cho quyền tác nghiệp của nhà báo trong dự thảo mới quy định xử lý sai phạm của báo chí mà chưa có quy định xử lý các hành vi cản trở hoạt động báo chí hợp pháp.
Theo ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang: “Như vậy là không công bằng; để bảo đảm cho nhà báo có thể thực thi nhiệm vụ của mình, cần quy định xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự các hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo”. Cùng với đó, “cần quy định cấm hành vi mua chuộc, lợi dụng nhà báo, báo chí nói chung phục vụ nhóm lợi ích ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội”, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị.
Có chính sách hỗ trợ rõ ràng cho cơ quan báo chí
Các ĐB cũng đề nghị xem xét các quy định về thuế trong hoạt động báo chí theo hướng ưu đãi cao cho cơ quan báo chí vì “chi phí cao, nguồn thu từ hoạt động báo chí đang giảm mạnh”. Để các cơ quan báo chí có thể tự chủ tài chính, Dự thảo cần đánh giá toàn diện để có chính sách hỗ trợ rõ ràng vì từng có cơ quan báo chí than thở với đại biểu: “Phải bán được báo thì mới có tiền đóng thuế, cứ nhăm nhăm thu thuế thế này thì lấy đâu ra?”.
Nhiều ý kiến cùng kiến nghị giảm thủ tục hành chính trong quản lý báo chí để mở ra thời kỳ mới cho báo chí phát triển trên tinh thần quyền tự do báo chí. ĐB Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị giảm thủ tục hành chính theo hướng đơn giản nhưng thể hiện được trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động báo chí.
Tránh tình trạng “xin - cho” trong quản lý báo chí, ĐB Dương Trung Quốc nhận thấy phải rà soát, loại bỏ những quy định sẽ thành “rào cản” cho hoạt động báo chí vốn chỉ được xây dựng dựa trên quyền của cơ quan quản lý, để không có “những quy định chắc chắn phải thực hiện mà không làm nổi” khi Luật có hiệu lực. Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thấy phải kiểm soát việc cấp và quản lý thẻ nhà báo để thẻ nhà báo không bị lợi dụng để có hành vi vi phạm pháp luật.
Vấn đề được các ĐB đề cập đến nhiều là chức danh quản lý cơ quan báo chí. Dự thảo đề xuất thêm chức danh Tổng Giám đốc/Giám đốc các cơ quan báo chí bên cạnh chức danh Tổng Biên tập như hiện hành và có sự phân định trách nhiệm.
Quản trang tin điện tử để bảo vệ báo chí chân chính
Thời gian gần đây xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí tăng nhanh, miêu tả chi tiết những hành động man rợ, trái đạo đức, cổ súy những lối sống không phù hợp, nhưng không có chế tài hữu hiệu, gây bức xúc lo ngại trong dư luận.
Từ thực tế này, ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) thấy cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, thẩm quyền của cơ quan quản lý báo chí và quy định “chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí và việc cho đăng tải các thông tin không phù hợp.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) phát biểu ý kiến |
Trong khi đó, qua tìm hiểu thì thông tin mà thanh, thiếu niên hay đọc trên mạng không phải là báo chí chính thống mà là các trang tin điện tử tổng hợp. Thời gian qua, số lượng trang thông tin điện tử tăng nhanh, hoạt động sai chức năng, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, chỉ trong thời gian 1 tháng vừa qua, hàng chục trang tin bị xử phạt, gây bức xúc với nhiều nhà báo, tờ báo chân chính.