Phóng viên không được bước qua ranh giới đạo đức nghề nghiệp

(PLO) - ĐBQH  Hà Minh Huệ - cho rằng Dự thảo Dự thảo Luật Báo chí có nhiều quy định khác chặt chẽ về việc hành nghề của phóng viên. Nhưng luật không thể lường hết được mọi tình huống của cuộc sống, chính phóng viên phải biết tự răn mình tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Ông Hà Minh Huệ - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
Ông Hà Minh Huệ - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
- Thưa ông, thời gian qua nhiều nhà báo bị hành hung. Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) lần này có tạo được cơ chế bảo vệ nhà báo, cũng như có những định hướng giúp nhà báo hoạt động tốt hơn để tránh những hiện tượng đáng tiếc đó?
- Theo tôi đọc, những quy định bảo vệ nguồn tin, bảo vệ hoạt động của nhà báo vẫn giữ nguyên. Nhưng tôi thấy cũng tương đối đầy đủ cho hoạt động báo chí. Quan trọng là thực thi nó như thế nào. Luật không thể liệt kê, không thể lường trước được hết các tình huống xảy ra trong cuộc sống. 
Thời gian vừa qua xảy ra tình trạng hành hung nhà báo. Chúng tôi với tư cách là người trong Hội nhà báo, đã phải bảo vệ quyền lợi của các nhà báo bị hành hung. Một mặt, chúng tôi cũng phải tuyên truyền để các nhà báo hoạt động đúng đạo đức nghề nghiệp. Khi chúng ta hoạt động đúng đạo đức nghề nghiệp thì chắc là cũng sẽ không có gì lớn lắm xảy ra. Nhà báo chúng ta phải là những người gương mẫu trong xã hội. 
- Một quy định mới, dư luận rất quan tâm trong Dự luật lần này là quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí. Theo đó, tổng biên tập chỉ là người chịu trách nhiệm về nội dung, còn giám đốc/ tổng giám đốc, mới là người đứng đầu cơ quan báo chí. Theo ông, quy định như vậy đã hợp lý chưa?
- Cơ quan báo chí bây giờ thường tổ chức hoạt động dưới mô hình đa phương tiện, có nhiều loại hình báo chí. Quy định người đứng đầu là giám đốc, tổng giám đốc phụ trách chung về mặt thực hiện hoạt động báo chí. Tổng biên tập, Phó tổng biên chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.  Như vậy, có sự phân chia ra, và tổng biên tập không phải là người đứng đầu. 
Nhiều người đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình, cho rằng một cơ quan báo chí nhỏ mà lại có cả giám đốc, tổng biên tập thì cồng kềnh. 
Theo quan điểm của tôi, quy định người đứng đầu là giám đốc/tổng giám đốc nên áp dụng với những cơ quan báo chí lớn, cơ quan đa phương tiện. Ví dụ Đài TH, Đài phát thanh, TTXVN có nhiều loại hình báo chí. Người lãnh đạo cơ quan báo chí đó phải là ông Tổng giám đốc còn những người Tổng biên tập chỉ phụ trách từng mảng: mảng truyền hình, mảng báo giấy, mảng báo điện tử, mảng phát thanh…
Trong luật cũng nói: Một giám đốc có thể kiêm tổng biên tập. Nhưng thực tế chúng ta thấy có nhưng báo rất nhỏ, độ khoảng 10, 20 phóng viên, lại cử thêm 1 giám đốc, 1 tổng biên tập thì bộ máy quá  cồng kềnh.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng như vâỵ là tiến bộ, quản ý báo chí dễ hơn. Nhưng lại có người bảo rằng nếu ông tổng biên tập mà không phải là lãnh đạo cơ quan báo chí, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, thì cũng khó. Bởi vì người đứng đầu mới chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, tôi lại nhắc lại vai trò của phóng viên, biên tập viên. Họ phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của mình. Ngay từ đầu phóng viên, biên tập viên thực hiện tốt quy định  đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm công dân của người làm báo thì sẽ không có gì để xảy ra những khuyết điểm đó nữa. Tôi nghĩ tổng biên tập không thể ngồi đọc hết những gì phóng viên viết. Đặc biệt là với báo điện tử, nhiều khi phóng viên viết bài rồi đưa lên luôn, tổng biên tập không thể duyệt nổi. 
Tự các nhà báo phải đặt ra ranh giới cho đạo đức nghề nghiệp của họ, và quy định không được bước qua ranh giới. Dự thảo Luật báo chí đề cao hơn trách nhiệm của hội nhà báo. Hội nhà báo sẽ phải đưa ra những tiêu chuẩn chặt chẽ về vấn đề này. Ví dụ đưa tin về tòa án như thế nào, đưa tin về trẻ vị thành niên phạm tội như thế nào...
Các nhà báo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, phải là những nhà báo có trách nhiệm trước xã hội, những công dân có trách nhiệm đối với đất nước.
- Luật lần này có điều chỉnh được tình trạng các trang mạng đưa thông tin không tốt cho xã hội?
- Luật không điều chỉnh các trang mạng. Bởi nó không phải là cơ quan báo chí. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đã là luật báo chí thì phải điều chỉnh luôn các hoạt động liên quan đến việc tuyên truyền thông tin. Ở nước ta chưa công nhận các trang mạng là báo chí, nên theo tôi, cho vào đây để điều chỉnh là chưa chuẩn.
- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm