Cần mở rộng các chủ thể tham gia vào công tác đánh giá cán bộ

(PLO) - Bộ Tư pháp hiện đang thực hiện quản lý trực tiếp trên 10.000 công chức, viên chức (CCVC), người lao động của 35 đơn vị thuộc Bộ và Hệ thống Thi hành án dân sự từ Trung ương đến cấp huyện. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công tác đánh giá cán bộ của Bộ trong thời gian qua đã được thực hiện trên cơ sở bám sát các quy định chung của Đảng, Nhà nước; nội dung đánh giá thực hiện theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010. Trong đó đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị về kết quả đánh giá, phân loại CCVC của đơn vị mình; xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong đánh giá CCVC; phát huy tinh thần thẳng thắn tự phê bình và phê bình trong đánh giá CCVC; thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai đối với CCVC được đánh giá. 

Tuy nhiên, công tác đánh giá cán bộ của Bộ Tư pháp cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập, dẫn đến chất lượng của một bộ phận đội ngũ CCVC chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi cán bộ, CCVC phải được nâng cao chất lượng, đặt đúng vị trí, sử dụng đúng năng lực, sở trường. Để làm được điều này, việc đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên của công tác cán bộ cần được nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo đánh giá đúng cán bộ, làm cơ sở, nền tảng quan trọng cho việc thực hiện tốt các khâu tiếp theo như bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm… 

Theo đó, một trong những giải pháp then chốt là tiếp tục hoàn thiện thể chế về đánh giá cán bộ, CCVC. Cơ sở quan trọng để triển khai công tác đánh giá cán bộ, CCVC là Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Nghị định số 56/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, các quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, không phù hợp với định hướng đổi mới công tác đánh giá cán bộ, CCVC hiện nay. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản này là rất cần thiết. 

Bên cạnh việc quy định người có thẩm quyền đánh giá là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện, cần quy định mở rộng các chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá cán bộ, CCVC. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, nên quy định các ý kiến đánh giá này có giá trị tham khảo. Ngoài ra, cũng cần có quy định về thẩm quyền đánh giá của cơ quan, đơn vị, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ đối với cán bộ, CCVC trong trường hợp người được đánh giá là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Về quy trình đánh giá, việc sửa đổi cần đảm bảo nguyên tắc các chủ thể tham gia đánh giá thực hiện đánh giá độc lập để tránh ảnh hưởng tới tâm lý trong quá trình đánh giá. Phải có sự tham gia ý kiến của tập thể đối với kết quả đánh giá và ý kiến của cá nhân người được đánh giá đối với kết quả đánh giá của mình để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá CCVC và người lao động của Bộ đảm bảo lượng hóa được các tiêu chí đánh giá theo quy định của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và bám sát khung năng lực vị trí việc làm. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đánh giá cán bộ, CCVC.

Đọc thêm