Cần một lộ trình rõ ràng cho Điền kinh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Điền kinh là một trong những môn thể thao chủ đạo của Olympic, Thể thao Việt Nam (TTVN) muốn có tiếng vang ở châu lục và thế giới thì phải có bộ môn Điền kinh. Vậy lộ trình đi của TTVN như thế nào với bộ môn này?
Điền kinh tiếp tục là môn thể thao được kỳ vọng đem về nhiều HCV cho TTVN. (Ảnh minh họa: Cục TDTT)
Điền kinh tiếp tục là môn thể thao được kỳ vọng đem về nhiều HCV cho TTVN. (Ảnh minh họa: Cục TDTT)

Trong những năm qua, bộ môn và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đều có đánh giá kết quả đào tạo, huấn luyện dựa trên thành tích thi đấu giải quốc tế của năm và có dự báo chuyên môn tương lai. Từ thực tế đó, Điền kinh Việt Nam đã tiến hành xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam từ năm 2025 đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 với dự trù kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện các kế hoạch, đề án trong lộ trình thực hiện Chiến lược một cách xuyên suốt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: “Để đào tạo một vận động viên (VĐV) điền kinh từ năng khiếu đến thành tích cao phải mất từ 8 đến 10 năm. Chính vì vậy, xây dựng đề án với 2 cột mốc 10 năm là hợp lý với đặc thù phát triển thành tích của điền kinh để có một kế hoạch tổng thể, một lộ trình khép kín và vững chắc nhằm phát triển môn điền kinh đạt hiệu quả cao nhất”.

Để triển khai có hiệu quả Chiến lược, Điền kinh Việt Nam cũng đã mạnh dạn đặt ra những mục tiêu cụ thể. Đó là đến năm 2035 trong 5 kỳ SEA Games tiếp theo duy trì trong 3 thứ hạng đầu nhưng thường xuyên đứng ở hạng Nhì và hạng Nhất. Từ năm 2035 đến 2045 luôn ở thứ hạng Nhất, Nhì SEA Games.

Tại đấu trường ASIAD 2030, Điền kinh Việt Nam phấn đấu 01 HCV, từ 02 đến 03 HCB, HCĐ. Đến năm 2028 có 02 VĐV đạt chuẩn chính thức tham dự Thế vận hội Olympic. Hướng đến ASIAD 2034, Điền kinh Việt Nam phấn đấu giành 02 HCV và từ 03 đến 04 HCB, HCĐ, đứng thứ hạng từ 9 đến 12 toàn đoàn; Phấn đấu có 03 đến 04 VĐV đạt chuẩn dự Thế vận hội Olympic 2032.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, một trong những giải pháp trước mắt được Điền kinh Việt Nam đưa ra đó là tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện con người tốt nhất nhằm hướng tới các mục tiêu thành tích cao. Trong đó, lực lượng nòng cốt là đội tuyển quốc gia (khoảng 100 VĐV/năm) và đội tuyển trẻ quốc gia (khoảng 120 VĐV/năm). Cùng với đó là đội ngũ HLV đảm bảo được chuyên môn phù hợp. Để tập trung lực lượng cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia cùng đội ngũ HLV hàng năm cần có sự chung tay của các tỉnh, thành, ngành. Việc đầu tư tập trung lực lượng VĐV và HLV cho 3 tuyến của tỉnh (năng khiếu, trẻ và tuyến tỉnh) có ý nghĩa quan trọng vì đây là nguồn lực cho việc tập trung đội tuyển, đội trẻ và năng khiếu quốc gia.

Các giải pháp của Điền kinh Việt Nam cũng nhấn mạnh vào việc tập trung tập huấn cho các đội tuyển cũng cần được quy hoạch rõ ràng hơn; Chú trọng công tác xây dựng cơ sở vật chất, trong đó có đường chạy, sân bãi tập luyện Điền kinh ở các Trung tâm Huấn luyện thi đấu quốc gia.

Chủ trương đầu tư thiết bị, khoa học kỹ thuật, y học ứng dụng ở các trung tâm quốc gia để hỗ trợ công tác tuyển chọn, huấn luyện và tập luyện cho các VĐV cũng được Điền kinh Việt Nam quan tâm, đưa vào hệ thống giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra…

Điền kinh Việt Nam cùng phối hợp của Bộ GD&ĐT, Sở VH,TT&DL trong việc vận động học sinh, sinh viên tập luyện ngoại khóa, ngoài giờ học thể dục chính khóa trong trường học, tổ chức thi đấu... Đây là nguồn lực VĐV rất lớn và từ đây sẽ tìm kiếm được thêm nhiều nhân tài cho Điền kinh nước nhà.

Các nước ở Đông Nam Á đã có huy chương Olympic, thậm chí HCV, chúng ta không thể bị tụt hậu với thể thao nước bạn khi thi đấu quốc tế được. Muốn thực hiện những mục tiêu trong chiến lược, đầu tiên phải có sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, thống nhất về định hướng đầu tư thể thao, các môn thể thao trọng điểm Olympic, cũng như có sự kết hợp chặt chẽ giữa điều kiện cơ sở vật chất, HLV, chế độ, chính sách cho VĐV, từ đó mới có thể thu hút nhân lực…

Đọc thêm