Cần một “ngôi nhà chung” cho các Thừa phát lại

(PLVN) -Hoạt động của Thừa phát lại trên phạm vi toàn quốc đến nay không còn là mô hình mới, song để thừa phát lại có một “ngôi nhà chung” –một tổ chức nghề nghiệp, bảo vệ các hội viên trong quá trình hành nghề thì tới đây nên thành lập Hội thừa phát lại toàn quốc.
Cần một “ngôi nhà chung” cho các Thừa phát lại

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, bầu ra lãnh đạo Hội do 5 Thừa phát lại làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội. Đây là dốc mốc quan trọng đối với những người hành nghề thừa phát lại trên địa bàn thủ đô.

Trước đó, Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2/2014 UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 05 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố là các Văn phòng: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hà Nội (quận Thanh Xuân). Tháng 10/2014 UBND Thành phố tiếp tục Quyết định cho phép thành lập thêm 03 Văn phòng Thừa phát lại nữa, là các Văn phòng: Nam Từ Liêm, Thủ Đô (quận Cầu Giấy), Đông Dương (quận Đống Đa). Đến thời điềm này đã có 08 Văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm).

Hiện nay, Hà Nội có 8 Văn phòng Thừa phát lại với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên phạm vi toàn thành phố. Sau thời gian hoạt động, các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án ….

Việc cho phép thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hành nghề Thừa phát lại trên địa bàn thủ đô là một nhu cầu thiết yếu không chỉ của các tổ chức Thừa phát lại chuyên nghiệp và những người hành nghề Thừa phát lại, mà cả của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại.

Hội Thừa phát lại Hà Nội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân và tổ chức Việt Nam đang sinh sống, đang hành nghề Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động Thừa phát lại Hà Nội…

Tiếp sau Hà Nội, mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Quyết định thành lập Hội Thừa phát lại TPHCM. Hội Thừa phát lại TPHCM là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch UBND TP phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp TPHCM. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Tới đây, Ban vận động thành lập Hội Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện các thủ tục để tiến hành đại hội và bầu các chức vụ trong Hội Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh sau 12 năm hoạt động.

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội thì hầu hết các thừa phát lại đều mong muốn Hội thừa phát lại được thành lập để có một tổ chức nghề nghiệp, tạo cơ hội giao lưu về chuyên môn nghiệp vụ cũng như có tiếng nói bảo vệ các hội viên trong quá trình hành nghề.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Lạng trong bối cảnh mà hoạt động của Thừa phát lại chưa thực sự được nhiều người biết đến và sử dụng dịch vụ như hiện nay thì việc thành lập các Hội còn có ý nghĩa thúc đẩy công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh; xây dựng, tham gia đóng góp ý kiến trong việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, Hội còn có vai trò kết nối với các Hội trong toàn quốc, với các cơ quan chức năng trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm. …

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Hội thừa phát lại sẽ là tổ chức nói lên tiếng nói của mình, thực hiện chức năng đối ngoại. Sự ra đời của Hội thừa phát lại sẽ góp phần bổ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp hiệu quả, đúng pháp luật hơn. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ một số hoạt động tư pháp.

Đọc thêm