Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Trọng tài thương mại năm 2010

(PLO) - Ngày 7/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam”. Qua Hội thảo cho thấy, để hoạt động trọng tài có thể đáp ứng yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra thì nên sớm xem xét sửa đổi khung pháp lý cho hoạt động này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, mặc dù đã có rất nhiều nghị quyết, văn bản của Đảng đều nhấn mạnh khuyến khích giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài nhưng hoạt động này hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. So với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, hoạt động trọng tài thương mại của nước ta còn non trẻ. Đến nay cả nước mới có 22 Trung tâm Trọng tài thương mại, trong đó “thâm niên” nhất là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1993. 

Thống kê cho thấy, giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh bằng trọng tài chưa tới 10% trên tổng số các vụ việc tranh chấp, trong khi số vụ việc phát sinh ngày càng nhiều. Điều đó đã gây áp lực về thời gian giải quyết vụ việc, chi phí giải quyết của các bên và cả xã hội cũng tăng lên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện chỉ số cạnh tranh của nước ta. Trong bối cảnh này, hoạt động trọng tài thương mại vẫn được kỳ vọng là một giải pháp góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh của Việt Nam bởi những lợi ích mà nó mang lại trong quá trình giải quyết tranh chấp. Vì vậy, bà Mai mong muốn các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại để hoạt động này được các cơ quan, ban, ngành ủng hộ, được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng sử dụng hơn.

Trên cơ sở gợi ý của bà Mai, Tổng Thư ký VIAC – Luật sư Vũ Ánh Dương khẳng định, VIAC là tổ chức trọng tài uy tín và ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn với 36 tỉnh, thành có doanh nghiệp sử dụng VIAC và hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có các bên tranh chấp tại VIAC. Tuy nhiên, số lượng giải quyết các vụ tranh chấp chưa nhiều khi từ năm 2013 trở về trước chưa năm nào vượt qua con số 100. Bắt đầu từ năm 2014 thì dần khởi sắc hơn, cụ thể năm 2014 giải quyết được 124 vụ, năm 2015 giải quyết được 146 vụ, năm 2016 cao nhất là được 156 vụ và năm 2017 là 151 vụ.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, ông Dương chỉ ra một trong những vướng mắc đáng lưu ý ở quy định tại khoản 5 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010. Theo đó, quy định “Hội đồng trọng tài áp dụng biệp pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự” dẫn đến hậu quả trọng tài viên bị khởi kiện ra Tòa án. Trong khi Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (Luật mẫu UNCITRAL) không có quy định về việc kiện trọng tài viên. Một số quốc gia có hoạt động trọng tài phát triển như Singapore, Anh thì miễn trừ trách nhiệm cho trọng tài viên, ngoài một số trường hợp như vi phạm điều cấm, trái quy tắc đạo đức xã hội.

Còn bàn về vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với hoạt động trọng tài, ông Dương nhận xét là đã có cải thiện tích cực, giúp trọng tài phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng áp dụng pháp luật và giải quyết không thống nhất giữa các Tòa án hay phán quyết trọng tài còn bị hủy nhiều. 

Để phát huy hiệu quả của hoạt động trọng tài, đồng thời tăng cường vai trò của Tòa án, ông Dương kiến nghị TANDTC có bộ phận chuyên theo dõi, giám sát việc hủy phán quyết trọng tài, ban hành án lệ về hủy phán quyết trọng tài. Bên cạnh đó, ông Dương kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại để được thừa nhận là quốc gia Luật mẫu UNCITRAL nhằm cải thiện môi trường pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh; có chính sách, chương trình đào tạo nâng cao năng lực của trọng tài viên về kỹ năng giải quyết tranh chấp, về trình độ ngoại ngữ.

Đến từ TAND TP Hà Nội, Phó Chánh tòa Kinh tế Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh, hủy phán quyết trọng tài là một trong những quy định về vai trò hỗ trợ của Tòa án với tố tụng trọng tài. Liên quan đến thực trạng hủy phán quyết trọng tài thì vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua, theo ông Tiến chính là căn cứ “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Ông Tiến chia sẻ, ngay trong nội bộ các thẩm phán cũng tranh luận rất gay gắt về quan điểm đánh giá một phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Vì thế, việc có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các quyết định hủy phán quyết trọng tài về vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật là không thể tránh khỏi.

Đọc thêm