Dự án khu dân cư Phước An được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam làm chủ đầu tư vào tháng 5/2015 với diện tích khoảng 7ha.
Nhiều người dân nằm trong vùng dự án đã bàn giao đất từ năm 2016 - 2021 cho chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được di dời, bố trí tái định cư (TĐC). Trong khi đó, một số hộ dân nhận bồi thường đã tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng, phải thuê nhà ở hoặc ở trong nhà tạm. Số khác còn ở lại, thì nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng, chờ sập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Dõng (73 tuổi, một hộ dân thuộc diện di dời) cho biết, dự án đổ đất xung quanh để thi công nên nhà ông thành chỗ trũng, cứ mưa xuống là ngập. Nhiều năm như vậy, nước thấm vào tường, nguy cơ sập. Dù nguy hiểm, nhưng gia đình phải chấp nhận vì không biết ở đâu. Gia đình ông Dõng có 1.700m2 đất bị thu hồi, được bố trí 4 lô TĐC. Gia đình cơ bản đã đồng ý giá cả bồi thường và mong muốn nhanh chóng bố trí TĐC.
Tại dự án này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí TĐC chưa hoàn thành khiến dự án chậm tiến độ dù đã gia hạn tiến độ 6 lần. Mới đây, chủ đầu tư dự án cũng đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh đề nghị tìm cách tháo gỡ. Cty cho biết, đến nay đã gần 8 năm kể từ thời điểm thu hồi đất, nhưng còn nhiều hộ dân chưa được bố trí TĐC, gây bức xúc về nhà ở. Chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm cho người dân nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống trong dịp Tết cổ truyền năm 2025 sắp tới gần. Đồng thời, cũng để các hộ dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng, thực hiện dự án, hoàn thành theo tiến độ được UBND tỉnh quy định.
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước, tại dự án trên, đến nay tỉnh đã thực hiện 4 đợt giao đất cho chủ đầu tư với tổng diện tích 6,78ha/6,88ha (đạt 98,6%). Chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất với 65,1ha với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng. DN cũng thi công hoàn thành khoảng 85% khối lượng dự án, cơ bản khớp nối hạ tầng.
UBND huyện xác nhận dự án kéo dài trong nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân. Việc chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có lỗi từ cơ quan chức năng.
Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, dự án được phê duyệt phương án TĐC tại chỗ. Tuy nhiên, huyện không có quỹ đất sạch để bố trí TĐC cho người dân kịp thời tại thời điểm thu hồi đất. Do đó, phải lấy từ quỹ đất của dự án. Đây là vấn đề mấu chốt dẫn đến việc không thể lập phương án TĐC, giao đất cho người dân có đất thu hồi theo Luật Đất đai 2013.
Nhận tiền đền bù đã lâu nhưng do chưa có đất TĐC, nhiều hộ dân vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. |
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, chính sách bồi thường, TĐC được UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần. Những thay đổi lớn nhất là chính sách TĐC tập trung chủ yếu vào số lô đất được bố trí TĐC và đối tượng được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC. Những thay đổi này gây khó khăn trong việc thực thi chính sách bồi thường, GPMB; nhất là khi các đơn vị của huyện đã làm việc, thống nhất với người dân về chế độ TĐC theo các chính sách đã ban hành trước đó…
“Nếu trước đây lập thủ tục bố trí TĐC cùng thời điểm với thủ tục thu hồi đất, người dân chỉ nộp khoảng 100 triệu đồng/1 lô TĐC. Nhưng đến thời điểm này, người dân phải nộp tiền sử dụng đất khoảng 400 - 500 triệu/lô TĐC, thậm chí cả tỷ đồng. Nếu phê duyệt TĐC theo phương án mới, áp dụng giá đất mới thì người dân nộp phần tiền chênh lệch quá nhiều, chịu thiệt thòi”, ông Hùng Anh nói.
Để gỡ vướng cho dự án, UBND huyện đề xuất UBND tỉnh thống nhất cho chủ trương áp dụng giá đất tính tiền sử dụng đất TĐC tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường năm 2016 để tính tiền sử dụng đất TĐC cho các hộ gia đình đã nhận tiền bàn giao mặt bằng theo phương án trước đó. Ngoài ra, đề xuất thống nhất việc giao đất TĐC cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng, giao đất để thực hiện dự án mà UBND huyện đã thống nhất với hộ dân về vị trí, số lô, diện tích và giá TĐC nơi đến.