"Cần nghiên cứu sửa Hiến pháp"

(PLVN) - Trên cơ sở thay đổi tư duy về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, TS Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu bổ sung vào Hiến pháp quy định nguyên tắc “lập pháp phải hợp hiến; hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở pháp luật và tính công bằng của pháp luật” nhằm khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước, vì lợi ích cộng đồng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa: “Cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc hiến định để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm”.

Nhiều quy định hiện hành chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Thưa bà, qua đánh giá của bà, những quy định pháp luật nào đang là những hạn chế, đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo?

- Theo Điều 119 Hiến pháp năm 2013, để quản lý các lĩnh vực trong xã hội như y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục, tổ chức bộ máy, công chức, công vụ…, Nhà nước phải ban hành các văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật đương nhiên phải phù hợp với Hiến pháp 2013. Ngoài ra, Quốc hội (QH) quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành.

Như vậy, trong quá trình ban hành luật, nếu có vấn đề trái Hiến pháp, mặc dù có thể phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đổi mới, đương nhiên không được ban hành, mà phải đợi sửa đổi Hiến pháp. Như các quy định về phương thức hoạt động của UBND, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, về nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ… muốn thay đổi thì trước tiên phải sửa Hiến pháp hoặc QH phải ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý vấn đề không phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, nếu theo quy trình sửa Hiến pháp thì rất phức tạp, cần nhiều thời gian… Do đó, phần nào phải chấp nhận khía cạnh phù hợp với Hiến pháp nhưng đồng thời có thể chưa phù hợp thực tiễn, chưa bảo đảm chủ trương đổi mới, sáng tạo.

Về tổ chức, bộ máy, cũng theo quy định của Hiến pháp 2013 tại Điều 70, QH có một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, một số nhiệm vụ mang tính cấp bách, nhưng QH lại họp theo kỳ. Mỗi năm họp hai kỳ (Điều 83). Chỉ trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH yêu cầu thì QH họp không thường lệ. Ủy ban Thường vụ QH triệu tập kỳ họp QH. Như vậy, khả năng giải quyết vấn đề/ban hành văn bản để xử lý vụ việc có thể không kịp thời, không thúc đẩy đổi mới, sáng tạo được.

Đối với Chính phủ, theo quy định tại Điều 96 Hiến pháp 2013, Chính phủ có những nhiệm vụ về nguyên tắc phải chỉ đạo và thường xuyên tổ chức thực hiện để kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ bất cập và đưa ra biện pháp hợp lý để thi hành. Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên hoặc họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ (Điều 44). Quy định này phần nào hạn chế tính năng động, sự chủ động của Chính phủ trong quá trình quản lý, điều hành đất nước.

Kinh nghiệm nhiều nước, pháp luật không quy định hình thức hoạt động của Chính phủ thường kỳ mỗi tháng một phiên. Việc tổ chức phiên họp được tiến hành bất cứ vào thời gian nào để kịp thời xử lý, tháo gỡ tình huống phát sinh trong thực tiễn. Việc không quy định cứng Chính phủ họp mỗi tháng một kỳ sẽ tạo điều kiện để Chính phủ điều hành một cách năng động, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn”…, qua đó thúc đẩy phát triển.

Hay về chính quyền địa phương, ở Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp, chính quyền địa phương được tổ chức ở ba cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Trong quá trình nghiên cứu chủ trương tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy đặt ra vấn đề: Có cần tiếp tục duy trì chính quyền địa phương cấp huyện không? Nếu câu trả lời là không thì vấn đề đơn thuần không chỉ sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mà phải sửa Hiến pháp.

Tương tự như vậy về UBND. Thực tiễn đã chứng minh, cơ chế hoạt động của Ủy ban theo quy định hiện hành có phần thiếu năng động, không đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đương nhiên phải nghiên cứu sửa Hiến pháp làm cơ sở quy định cụ thể Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cần nghiên cứu sửa Hiến pháp để phân công lại nhiệm vụ một cách thực chất

Bà vừa nói đến trách nhiệm của người đứng đầu. Hiện nay, chúng ta đang đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như của người thực thi công vụ. Theo bà, các quy định hiện hành có vướng mắc gì về những vấn đề này hay không?

- Theo Điều 98 Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn như lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của HĐND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ QH bãi bỏ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi để phân công nhiệm vụ phù hợp, bảo đảm điều hành hiệu quả, sáng tạo và thúc đẩy phát triển.

Hay trong Bộ luật Hình sự, liên quan đến không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đang thi hành công vụ có thể kể đến trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24); liên quan đến rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (Điều 25); Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26). Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự chưa có quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người khi thực thi công vụ dám nghĩ, dám làm một số quy định trái pháp luật nhưng vô tư, khách quan, thiện chí vì lợi ích cộng đồng. Điều này đương nhiên không khuyến khích, động viên sự đổi mới, sáng tạo, tận tâm của người thực thi công vụ.

Như vậy, các luật hiện hành quy định chưa thống nhất, thậm chí bỏ ngỏ quy định không xử lý đối với người thi hành công vụ vì lợi ích cộng đồng, vì tính công bằng của pháp luật mà không áp dụng các quy định pháp luật hiện hành hoặc áp dụng sai. Hậu quả của việc này là khó khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước, vì lợi ích cộng đồng.

Đề nghị bỏ quy định Quốc hội họp theo kỳ

Vậy bà đề xuất hướng hoàn thiện ra sao để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật?

- Trên cơ sở Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 đã nêu định hướng nghiên cứu bỏ cấp huyện; trên cơ sở thay đổi tư duy về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đổi mới, sáng tạo, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, nghiên cứu sửa Hiến pháp: bỏ quy định QH họp theo kỳ; bỏ quy định về tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; sửa đổi quy định về nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ; sửa quy định về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; bổ sung quy định nguyên tắc: Lập pháp phải hợp hiến; Hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở pháp luật và tính công bằng của pháp luật, như kinh nghiệm của Đức. Điều 20 Hiến pháp Đức quy định nguyên tắc: “Cơ quan lập pháp chịu sự ràng buộc của trật tự hiến pháp, cơ quan hành pháp và tư pháp chịu sự ràng buộc của luật pháp và công lý”.

Hai là, nghiên cứu sửa đổi các quy định về Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng bỏ hình thức hoạt động của Chính phủ, Ủy ban theo kỳ; chỉnh lý lại nhiệm vụ của tập thể, của người đứng đầu cho phù hợp, tránh hình thức.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi các luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Đầu tư… theo hướng quy định trách nhiệm quyết định cho cá nhân trực tiếp xử lý vụ việc, nắm rõ sự việc kèm theo cơ chế thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, giám sát.

Bốn là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Bộ luật Hình sự theo hướng không truy cứu trách nhiệm hình sự, không quy định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thực thi công vụ trên cơ sở pháp luật, trên cơ sở tính công bằng của pháp luật mà khách quan, vì lợi ích cộng đồng trong trường hợp thi hành công vụ khác với pháp luật hiện hành.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm