Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quyết định mức bồi thường khi máy bay chậm chuyến

 PLO - Theo bổ sung mới nhất của Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về thời gian người vận chuyển phải thông báo trước, thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính. 
Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quyết định mức bồi thường khi máy bay chậm chuyến
Tiếp thu ý kiến ĐB QH phản ánh về yêu cầu khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng, Dự thảo Luật Hàng không dân dụng đã bổ sung những quy định cụ thể về vấn đề này. 
UBTVQH cho biết: Luật HKDDVN hiện hành đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, của hành khách; bồi thường thiệt hại, chăm lo hành khách trong trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến... Tuy nhiên, Luật thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp về các điều kiện vận chuyển, duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách. 
Tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, UBTVQH đã bổ sung bổ sung các nội dung trên tại Khoản 4a Điều 110, về nghĩa vụ của  doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng  không.  Khoản 5 và Khoản 6 Điều 145 Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể: Trong trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị huỷ hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được người vận chuyển thông báo trước thì người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ và phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách. Trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự của người vận chuyển thì khoản tiền này được trừ vào khoản tiền bồi thường.
“Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về thời gian người vận chuyển phải thông báo trước, thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.” – Dự thảo nêu rõ. 
Trong Dự thảo Luật hành không khái niệm Nhà chức trách hàng không còn có nhiều ý kiến tranh luận. Khoản 2a Điều 9 dự thảo quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không”.
Một số ĐB cho rằng, đối tượng này phải là một cá nhân cụ thể. Cũng có ĐB đề nghị đó là Bộ giao thông vận tải, hay Cục hàng không dân dụng Việt Nam. Theo phân tích của UBTVQH, hàng không dân dụng là lĩnh vực đặc thù vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế. 
Theo Công ước quốc tế về hàng không dân dụng năm 1944 (Công ước Chicago) và Hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì Nhà chức trách hàng không có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng của quốc gia; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát trực tiếp toàn bộ hoạt động hàng không dân dụng. 
Công việc này diễn ra thường xuyên, mang tính chuyên môn cao. Hơn nữa, Nhà chức trách hàng không phải chịu sự thanh tra, giám sát của ICAO và đánh giá của Nhà chức trách hàng không dân dụng các nước về năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Do đó, quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng là Nhà chức trách hàng không là hợp lý.  
Về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng (Điều 49), đây là vấn đề đã  được bàn luận nhiều ở  những kỳ họp trước. Theo UBTVQH, việc đóng, mở dân bay chuyên dùng có liên quan chặt chẽ đến việc bảo đảm quốc phòng - an ninh nên việc đóng, mở sân bay này cần giao cho Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, do sân bay chuyên dùng cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khai thác hàng không dân dụng nên cần phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giao Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.
Cũng theo dự thảo mới nhất, thẩm quyền định giá  đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc về Bộ Giao thông vận tải. Vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá của Bộ Tài chính được thực hiện thông qua việc quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và sự tham gia, phối hợp với bộ chuyên ngành trong việc hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của bộ chuyên ngành (khoản 2 Điều 21 Luật giá). 
Nhà  nước cũng sẽ định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa để tránh việc các doanh nghiệp nâng giá tùy tiện, bất hợp lý khó kiểm soát, đặc biệt là trong những giai đoạn cao điểm vào dịp lễ hội du lịch, nghỉ lễ, nghỉ Tết… 

Đọc thêm