Cân nhắc sớm có quyết sách với các loại thuốc lá mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện tại, trong lúc đợi thống nhất hướng ứng xử với thuốc lá nung nóng - hay còn gọi là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, trong tọa đàm vừa qua của Báo Pháp luật Việt Nam, các đại biểu đã nêu những khó khăn, thách thức trong vấn đề tìm ra phương án phù hợp với các sản phẩm này.
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: H.Giang)
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: H.Giang)

Trong đó, vấn đề được nhiều ý kiến đưa ra là vẫn xem xét đến tiếng nói của người dùng. Theo các ý kiến này, nếu chính sách không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hợp pháp thì ảnh hưởng đến hiệu quả tuân thủ quy định trong tương lai.

Hành vi hút thuốc lá mới là nhu cầu của một bộ phận người trong xã hội

Tại Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá”, các đại biểu đều nhận định “đây là một vấn đề không mới”, việc sử dụng thuốc lá nung nóng (TLNN) và các sản phẩm thuốc lá mới khác là nhu cầu của một bộ phận người trong xã hội.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm theo hình thức online. (Ảnh chụp màn hình)

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm theo hình thức online. (Ảnh chụp màn hình)

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Trong tiến trình của đất nước, đến thời điểm hiện nay, TLNN, thuốc lá mới không phải là vấn đề mới, không phải là loại thuốc lá quá mới xuất hiện ở Việt Nam, đã có một quá trình tiếp cận người hút thuốc”.

Trong bối cảnh tồn tại khoảng trống về pháp lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, việc ban hành quy định pháp luật với các sản phẩm này là cấp thiết để ngăn chặn các sản phẩm tiếp cận giới trẻ.

Tuy nhiên, giới trẻ chỉ là một trong số các vấn đề được đề cập tại Tọa đàm trong việc ban hành chính sách phù hợp. Một trong số những góc độ được các đại biểu kiến nghị cần cân nhắc là những người trưởng thành đang hút thuốc lá.

Theo đó, ông Tạ Văn Hạ đặt vấn đề, cần làm rõ căn cứ của việc cấm TLNN hay các sản phẩm thuốc lá mới khác: “Cần các căn cứ như về pháp lý, cơ sở khoa học, thực tiễn… Tất cả những cơ sở này đều phải có đủ các luận chứng, luận điểm”.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên nêu thêm: “Hiện người tiêu dùng không biết nguồn gốc của sản phẩm, không có sự đảm bảo an toàn về sức khỏe từ các cơ quan quản lý”.

Có nên cấm hoàn toàn?

Chia sẻ quan điểm đối với hướng đề xuất cấm hay quản lý, bà Liên phân tích: “Nếu như đặt vấn đề ở dưới góc độ hoàn toàn là y tế thì cũng chưa bảo đảm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng". Giải pháp nào để đảm bảo sẽ không có người sử dụng hay không có những sản phẩm này trôi nổi trên thị trường?.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: H.Giang)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: H.Giang)

Đồng quan điểm với bà Liên, ông Hạ nói: “Chúng ta cần tính đến quyền lợi của hơn chục triệu người đang nghiện thuốc lá, để họ có quyền tiếp cận đến những sản phẩm giảm tác hại hơn”.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Hồng Ngọc nhấn mạnh, nhiều nước có trình độ phát triển và công nghệ cao, như Nhật Bản, đã và đang thực hiện các nghiên cứu độc lập và công bố rộng rãi toàn cầu để các quốc gia khác tham khảo phương thức phù hợp. Do vậy, theo ông Ngọc, quyết sách với TLNN, TLĐT phải trên cơ sở kinh nghiệm của quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như là trên cơ sở phân tích tác động đến người tiêu dùng, bên cạnh doanh nghiệp và Nhà nước. Ông Ngọc cũng nhắc lại chỉ đạo gần đây của Thủ tướng theo Công điện số 47/CĐ-TTg giao cho Bộ Y tế xây dựng phương án đối với thuốc lá mới.

Tại Tọa đàm, các đại biểu chia sẻ việc cần làm hiện nay là xác định quyết sách với thuốc lá mới thế nào là hiệu quả, để đạt mục tiêu phòng ngừa tác hại, ngăn chặn giới trẻ tiếp cận. Đặc biệt là làm sao để thực thi sớm chính sách này.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Việt Nam có thể tham khảo, nghiên cứu và chọn lọc để cấm tuyệt đối các sản phẩm độc hại, đưa vào quản lý các sản phẩm đạt chuẩn nhằm bảo vệ sức khỏe toàn dân, ngăn chặn hiệu quả việc thanh thiếu niên tiếp cận thuốc lá mới.

Đề cập đến tiến độ và tính cấp thiết, bà Nguyễn Quỳnh Liên phát biểu: “Tôi tha thiết đề nghị Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành xác định đây là một vấn đề pháp lý. Nó không còn là vấn đề hiện tượng xã hội hay xu hướng của người tiêu dùng nữa, mà là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, bảo vệ sức khỏe của người sử dụng và bảo vệ sức khỏe chung của cả xã hội”.

Đọc thêm