Cần nhiều chính sách để doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số lượng doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại đã tăng cao nhưng tỷ lệ còn thấp. Khả năng tiết kiệm điện cũng chưa đạt như kỳ vọng do chưa có chế tài cũng như chưa có các chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp.
Nhà máy của Maxport đã sử dụng điện mặt trời mái nhà để chủ động trong cao điểm sản xuất. (Ảnh: PV)
Nhà máy của Maxport đã sử dụng điện mặt trời mái nhà để chủ động trong cao điểm sản xuất. (Ảnh: PV)

Khi doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng

Tại Hội nghị Tiết kiệm điện (TKĐ) trong mùa nắng nóng (do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/8/2023), ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, mùa hè 2023, hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung - cầu điện vào các tháng 5 và 6, đặc biệt là khu vực miền Bắc, khi nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng đột biến. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cùng với tình huống thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung thì vai trò của khách hàng sử dụng điện (phía cầu) hết sức quan trọng trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. “Với sự chung tay tích cực của khách hàng sử dụng điện, từ 17/5 - 16/6/2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm). Điều này đã góp tích cực trong bảo đảm cân bằng cung - cầu điện” - ông Nguyên nói.

Bà Đỗ Thị Thùy Hương - đại diện Công ty Maxport cho biết, Maxport là công ty may có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhà máy đặt tại các tỉnh miền Bắc. Các công ty may cao điểm sản xuất cũng trùng vào mùa hè nhưng việc TKĐ được công ty xác định thực hiện trong cả năm. Ngay từ năm 2014, Maxport đã thực hiện kiểm toán năng lượng.

“Trước đó chúng tôi đã biết khu vực tiêu tốn năng lượng nhất là thiết bị sản xuất, chiếm tỷ trọng hơn 50% lượng điện sử dụng. Tuy nhiên, Maxport vẫn luôn xác định thực hành TKĐ không chỉ là thay đổi thiết bị mà thay đổi cả ý thức quản trị DN” - bà Hương nói.

Và DN này bắt đầu từ việc lắp đặt hệ thống lấy sáng tự nhiên, tiết kiệm đáng kể lượng điện dành cho chiếu sáng. Từ 2015, DN đã đề xuất xây dựng nhà máy mới với mục tiêu cải thiện hiệu quả năng lượng, nhất là máy móc thiết bị, giúp tiết kiệm sản lượng điện khoảng 31%/tháng. Bên cạnh đó là tận dụng các mái nhà xưởng để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chủ động được năng lượng trong cao điểm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sáng - đại diện Tập đoàn Samsung Việt Nam cho biết, các biện pháp thúc đẩy TKĐ đã được Samsung thực hiện đồng bộ ở nhiều nhà máy và mang lại hiệu quả. Ví dụ, với phương pháp xúc tiến tiết kiệm năng lượng (TKNL) và cải tiến chất lượng cung cấp Air thông qua thay đổi máy sấy lạnh, Samsung đã tiết kiệm được hơn 300.000 USD/năm; mở rộng tiết giảm thêm 6 máy với mức phí đầu tư 230.000 USD thì mang lại hiệu quả sau mở rộng lên đến 760.000 USD/năm.

Cần thêm nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện số lượng DN tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại đã tăng lên đáng kể nhưng tỷ lệ còn thấp; các cơ chế, chính sách chủ yếu mang tính khuyến khích khách hàng tự nguyện tham gia, chưa mang lại lợi ích thuyết phục, trực tiếp cho các DN nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, một số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hệ thống, bộ máy quản lý năng lượng khi thường xuyên có sự biến động về nhân sự; năng lực của cán bộ quản lý năng lượng còn hạn chế; Việc đầu tư chuyển đổi trang thiết bị, máy móc, công nghệ TKNL còn chậm; Một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện; Chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa cao, gây ra sự hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ kinh nghiệm thực hiện các giải pháp TKNL của Maxport, bà Thủy Hương cho rằng, cần có chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho Ban Quản lý và nhân viên chuyên trách về TKNL tại DN. Bên cạnh đó, cũng cần giúp DN hỗ trợ kiểm toán năng lượng, bởi đây là cơ sở cho việc áp dụng thực hành TKNL. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các DN sử dụng năng lượng sạch.

Đại diện Vụ TKNL và phát triển bền vững khẳng định, để bảo đảm cung ứng và an toàn điện trong các mùa hè tới cần phải yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải triển khai các giải pháp TKĐ, TKNL để bảo đảm tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; Yêu cầu các DN sản xuất lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch TKĐ tại đơn vị, trong đó cần cụ thể hóa mục tiêu TKĐ hằng năm với các giải pháp, hoạt động, nguồn lực để đạt được mục tiêu đó...

Đọc thêm