Cần những Lục Vân Tiên trên nghị trường

(PLO) - Chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Các nơi trên toàn quốc đang xúc tiến những bước hiệp thương để có được những ứng cử viên đáp ứng đúng các tiêu chí đặt ra cho kỳ bầu cử sắp tới, dẫn tới thành công tốt đẹp của kết quả cuối cùng. 

Một không khí sôi nổi, hào hứng diễn ra, lan tỏa khắp nơi thể hiện người dân đang rất kỳ vọng ở QH khóa tới, ở những đại biểu (ĐB) xứng đáng thay mặt họ nói lên mọi tâm tư, nguyện vọng chính đáng ở nơi diễn đàn lớn nhất của đất nưóc.

Những lần bầu cử trước đây, dường như chúng ta đã quá chú trọng đến cơ cấu mà có phần xem nhẹ chất lượng ĐB mới dẫn đến tình trạng vẫn còn để lọt những người chưa xứng đáng trúng cử. Có những người trong suốt một nhiệm kỳ, tại tất cả các kỳ họp QH, không một lần phát biểu, khi biểu quyết vấn đề gì đó thì theo số đông. Thậm chí có người đã ngủ gật ngay cả khi nghị trường đang bàn thảo những vấn đề sôi động đang được dư luận qua tâm nhất (Có lần ống kính ca-mê-ra của các phóng viên đã ghi được). 

Những ĐB này ở vào một trong hai trường hợp: Hoặc là muốn có ý kiến đóng góp nhưng sự hiểu biết hạn hẹp dẫn đến không tự tin nên không dám phát biểu, bày tỏ chính kiến. Như vậy là đã bất cập về yếu tố tài. Hoặc trường hợp thứ hai là có hiểu biết nhưng ngại đụng chạm, sợ mất lòng bề trên sẽ ảnh hưởng đến sự yên vị và thăng tiến của mình nên đã “ngậm miệng ăn tiền”. Những người này không bất tài nhưng thiếu tâm, thiếu đức.

Lâu nay, khi đề bạt, cất nhắc cán bộ cũng như mọi cuộc bầu bán, chúng ta đều dễ dàng thống nhất với nhau là phải lựa chọn những người có đủ tài, đức. Nhưng cụ thể của hai yếu tố trên thì không phải ai cũng hiểu theo những chuẩn mực như nhau.

Tài và đức đối với một ĐBQH không phải là tài ba chung chung (năng lực chuyên môn nghiệp vụ, sự nổi tiếng… mặc dù điều này rất đáng quý) và đức độ, nhân cách theo kiểu từ bi, nhân đức của nhà Phật mà phải từ trí tuệ sắc bén của mình phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân – những người đã tín nhiệm bỏ lá phiếu cho mình, kỳ vọng ở mình.

Đức ở đây là phải biết vì quyền lợi chính đáng của dân mà nêu cao tính chiến đấu, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tiêu cực; lại phải biết phản biện xã hội, biết đóng góp cho Đảng và Nhà nước những ý kiến sắc sảo nhất, đưa ra những quan điểm tiên tiến nhất có lợi cho dân, góp phần giúp QH đưa ra những quyết sách đúng đắn, chính xác nhất, phù hợp với thực tiễn, lịch sử.

Người Việt ta ai cũng biết nhân vật Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Đình Chiểu. Hôm nay, xã hội ta chưa phải đã hết những ngang trái, vẫn còn đó không ít bất bằng. Đó là tệ tham nhũng hoành hành. Đó là vẫn còn những vụ án xét sử sai, hoặc quy oan cho người vô tội, hoặc bỏ lọt tội phạm. Đó là người tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội thì có cuộc sống nghèo khó hơn kẻ vô tích sự, thậm chí vi phạm pháp luật. Đó là sự xuống cấp, tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, là “công bộc của dân” nhưng lại làm hại dân đã gây điêu đứng cho cuộc sống của những người lương thiện…

Đảng và Nhà nước ta vẫn còn luôn nhức nhối về những diều đó. Đó là những ngang trái của thời nay rất cần những Lục Vân Tiên hành động để bảo vệ lẽ phải, tẩy trừ sai trái giữa nghị trường QH, mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của dân.

Cử tri cần những ĐBQH như thế. Đó là những Lục Vân Tiên của ngày nay.

Đọc thêm