Cần những “Nghị định 168” xử lý hành vi ô nhiễm môi trường

(PLVN) -  HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn. Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô, Sở NN&MT đã tham mưu xây dựng Nghị quyết nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần với hầu hết các hành vi quy định tại 46 điều của Nghị định 45/2022/NĐ-CP, nhằm tăng tính răn đe và thay đổi thói quen ứng xử với môi trường. Nói đơn giản, là những vi phạm như xả rác, xả thải bừa bãi… tại Hà Nội sẽ bị phạt tiền ở mức gấp đôi so với Nghị định 45.
Ảnh minh hoạ.

Trong thực tế, chỉ cần nhìn nhận trực quan bằng mắt thường, chúng ta có thể thấy ý thức BVMT của không ít người dân còn rất kém. Đặc biệt tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, tình trạng xả rác bừa bãi có thể gặp nhiều lúc, ở nhiều nơi. Tại TP HCM, ngay từ 2018, Thành ủy TP đã ra Chỉ thị 19-CT/TU chỉ rõ thực trạng “việc xả rác ra đường và kênh rạch từ hàng chục năm nay vẫn tiếp diễn, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc hệ thống thoát nước và kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân và hình ảnh TP”. Để tiến tới chấm dứt tình trạng trên, Thành ủy TP đã chỉ đạo tập trung triển khai cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.

Tuy nhiên, chỉ kêu gọi và vận động, với một số người vi phạm, vẫn là chưa đủ, mà cần phải có chế tài mạnh mẽ. Đại diện Sở NN&MT TP Hà Nội đánh giá, việc HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết nâng mức xử phạt với hành vi gây ô nhiễm là thực sự cần thiết; là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết nhằm siết chặt kỷ cương, văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả công tác BVMT; không chỉ để xử lý sai phạm mà còn để bảo vệ lợi ích chung, giữ gìn tài nguyên và môi trường sống; thể hiện sự quyết tâm cao trong việc kiến tạo đô thị hiện đại, văn minh, phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường; không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị.

Việc tăng mức xử phạt không phải để “tận thu”, mà là biện pháp cần thiết nhằm nâng cao ý thức, chấn chỉnh hành vi. Thực tế cho thấy, nhiều vi phạm không bị phát hiện hoặc bị xử lý với mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe, dẫn đến việc tái diễn và kéo dài dai dẳng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ xảy ra các hệ lụy lâu dài về môi trường, quy hoạch và đô thị hóa thiếu kiểm soát là rất lớn.

Trước việc TP Hà Nội ra quy định nâng mức xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm của Thủ đô. Và để BVMT một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa, cần thiết có những cuộc vận động sâu rộng hơn nữa để BVMT phải trở thành nét văn hóa, lối sống, nếp sống. Và học hỏi kinh nghiệm từ Nghị định 168/2024/NĐ-CP xử phạt vi phạm trong lĩnh vực trật tự giao thông, cơ quan chức năng cũng sớm cần có những quy định xử lý nghiêm khắc cùng việc thực thi nghiêm túc để xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Môi trường là tài sản chung, ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ, nếu không hậu quả lâu dài sẽ rất khó khắc phục, ảnh hưởng chất lượng sống, sức khỏe mọi người.

Đọc thêm