Cần phần định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Kiểm toán nhà nước và Bộ Tư pháp trong giám định tư pháp

(PLVN) - Đó là ý kiến của đại diện Bộ Tư pháp tại Hội thảo lấy ý kiến các địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2015 do KTNN  tổ chức mới đây, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 

Tại Hội thảo, các ý kiến đồng tình với việc quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNN để bảo đảm KTNN hoàn thành trách nhiệm của mình, nhất là trong các lĩnh vực kiểm toán về thu nộp ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản. "Việc KTNN có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ở các địa phương ngày càng hiệu quả" - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nhấn mạnh. 


  Tuy nhiên đại diện của tỉnh Khánh Hòa và một số đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ về phạm vi, đối tượng kiểm toán, nhất là trong lĩnh vực kiểm toán thuế để đảm bảo tính khả thi của Luật. 

Trao đổi về quy định làm rõ đơn vị được kiểm toán theo dự thảo Luật, TS. Lê Đình Thăng KTNN chuyên ngành III cho rằng, mục tiêu của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán thuế là tập trung vào nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp và việc kiểm toán theo cách thức chọn mẫu kiểm toán, vì vậy nhân lực của KTNN sẽ đủ khả năng đảm nhiệm nhiệm vụ này. "Nội dung này hoàn toàn phù hợp với thông lệ thế giới bởi thực tế việc kiểm toán thuế được nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện các cấp độ khác nhau'' - TS. Lê Đình Thăng nói.

Bà Nguyễn Thị Thụy đại diện Cục bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp cho rằng, trong những năm gần đây, nhu cầu giám định tư pháp ở các lĩnh vực kinh tế phục vụ cho giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng ngày càng lớn và thường xuyên. Tuy nhiên việc đáp ứng của các cơ quan chuyên môn được trưng cầu còn chậm, chưa đảm bảo chất lượng. "Vì vậy việc KTNN có thêm chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định về nội dung chuyên môn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là giải pháp góp phần đảm bảo tốt hơn yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng trong công cuộc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng" - Bà Thụy cho hay.

Tuy nhiên đại diện của Cục bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp cũng cho rằng, để thực hiện tốt chức năng giám định tư pháp của KTNN nếu được bổ sung, KTNN cần phần định rõ chức năng, nhiệm vụ liên quan đến giám định tư pháp giữa KTNN và Bộ Tư pháp, một số Bộ, ngành liên quan; cần có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng về các quy định, quy trình chuyên môn nghiệp vụ; chuẩn bị về nhân sự thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp.

Thảo luận  quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, các các ý kiến cho rằng nếu thực hiện được sẽ tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, góp phần chống thất thu NSNN. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên quy định mức chế tài cụ thể  như dự thảo hiện nay, nhằm đảm bảo tính thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, cũng như thực tiễn phát sinh. "Quy định chế tài trong xử lý vi phạm pháp luật KTNN, đồng thời Luật cũng cần xem xét quy định cụ thể để thực hiện chế tài, nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định'' - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên phát biểu.

Các ý kiến cũng hoan nghênh việc quy định rõ vấn đề liên quan đến khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động kiểm toán toán trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật, tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị có liên quan thực hiện quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo dự thảo Luật nên xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự thống nhất giữa quy định trong Luật KTNN và Luật Khiếu nại, tố cáo "Nhằm tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, giảm tính hiệu lực của các báo cáo kiểm toán" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nêu quan điểm.

Một trong những nội dung gây chú ý tại Hội thảo được các đại biểu chia sẻ là những khó khăn, vướng mắc của KTNN trong việc kiểm toán công nghệ thông tin khi chưa có khung pháp lý đầy đủ về việc kiểm toán tài nguyên số. TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán Công nghệ thông tin- KTNN chuyên ngành VII đề xuất một số kiến nghị giải quyết tình trạng này: Làm rõ nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến cung cấp thông tin, dữ liệu gốc từ hệ thống CNTT; bổ sung quy định về cung cấp dữ liệu, thông tin định kỳ từ Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia...

Có 05 nhóm vấn đề chủ yếu được thảo luận tại Hội thảo gồm: Làm rõ đơn vị được kiểm toán bảo đảm bao quát, phù hợp đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp (nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin...); Xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; bảo đảm hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh kiểm tra với hoạt động KTNN; Nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; Rà soát và quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp…bảo đảm thống nhất đồng bộ giữa các Luật liên quan; Quy định rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước. 


 "Các kết quả  tại Hội thảo là cơ sở, nền tảng quan trọng  cả về lý luận và thực tiễn đề KTNN tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án bảo đảm đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015 hiệu quả chất lượng và đáp ứng tiến độ của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 theo Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng và của Quốc hội''-.Phó Tổng KTNN  Đặng Thế Vinh khẳng định./. 

Đọc thêm