Cần quy định rõ hơn trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra

(PLVN) - Cần quy định rõ hơn về trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra đối với bị can và hệ quả pháp lí đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải THA tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả THA.
Cần quy định rõ hơn trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra

Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, đặc biệt là đối với việc thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) thường găp các trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án (THA). Việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện kê biên tài sản ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là một biện pháp đảm bảo THA hiệu quả, góp phần giảm tải cho cơ quan THADS và nâng cao hiệu quả THA.

Việc kê biên tài sản trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì do Thẩm phán áp dụng. Còn đối với vụ án hình sự thì thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản là những người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) bao gồm:  Trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử và thẩm phán chủ tọa phiên tòa ( Điều 128 BLTTHS 2015).

Đối với tài sản mà Tòa án đã tuyên kê biên để đảm bảo THA, trường hợp người phải THA tự nguyện THA xong các nghĩa vụ theo Bản án Quyết định thì Chấp hành viên ra quyết định giải toả kê biên theo Điều 105 Luật THADS và trả lại tài sản cho người phải THA trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ giải tỏa kê biên. Trường hợp người phải THA không tự nguyện thi hành án thì theo quy định tại Điều 127 Luật THADS, Chấp hành viên tiến hành định giá, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại các điều 98, 99, 100 và 101 Luật THADS. Theo đó, trong trường hợp này, Chấp hành viên không phải ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải THA theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật THADS mà chỉ căn cứ vào Bản án Quyết định của Tòa án và quyết định THA, lệnh kê biên và biên bản kê biên của cơ quan có thẩm quyền để tiến hành việc định giá, định giá lại tài sản và bán tài sản để THA.

Việc tuyên kê biên tài sản để đảm bảo THA ngay trong giai đoạn tố tụng là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản một cách hiệu quả, đảm bảo thuận lợi cho công tác THADS . Tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, cần bổ sung các quy định của pháp luật để bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa giai đoạn THA với các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Trong thực tiễn, công tác phối hợp giữa cơ quan tố tụng với cơ quan THADS vẫn còn hạn chế, nhiều vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành; việc đính chính, giải thích bản án, chuyển giao vật chứng, các tài liệu liên quan có trường hợp còn chưa kịp thời; chưa đáp ứng được yêu cầu….. Do đó, vai trò chủ động của cơ quan THADS cần phải được phát huy nhiều hơn nữa trong việc tiếp nhận, chuyển giao tài liệu, vật chứng, tài sản tạm giữ …có liên quan đến vụ án từ cơ quan điều tra trong giai đoạn tố tụng. Đồng thời cần có sự liên kết chặt chẽ giữa giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử với thi hành án. Để bản án, quyết định có tính khả thi và hiệu quả thi hành

Hiện nay, BLTTHS chỉ đề cập biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào mà không khẳng định đây là biện pháp bắt buộc. Điều 128 BLTTHS quy định: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền ra lệnh kê biên tài sản”. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra đối với bị can và hệ quả pháp lí đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải THA tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả THA. 

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cơ quan THADS trong thành phần tham gia kê biên tại giai đoạn tố tụng. Thực tiễn khi xử lí các tài sản mà bản án tuyên kê biên phát sinh rất nhiều vấn đề như: diện tích tài sản thực tế với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chênh lệch, hiện trạng tài sản bị thay đổi sau khi có quyết định kê biên v.v. gây nhiều khó khăn cho giai đoạn THA sau này. Do vậy, đối với việc kê biên trong giai đoạn trước khi xét xử cũng nên bổ sung thành phần tham gia là cơ quan THADS để cơ quan THADS thuận lợi hơn trong quá trình xử lí tài sản kê biên trong giai đoạn THA, ví dụ: bổ sung thành phần tham gia là chấp hành viên cơ quan THADS vào khoản 3 Điều 437 BLTTHS khi kê biên tài sản của pháp nhân. 

Đồng thời, đối với các việc dân sự trong vụ án hình sự như bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản, truy thu do thu lợi bất chính… pháp luật cần quy định rõ, trong khi giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Toà án phải có trách nhiệm ước tính tất cả nghĩa vụ dân sự mà bị can, bị cáo sẽ phải thi hành, đồng thời phải triệt để thực hiện việc kê biên, tạm giữ tài sản của họ để đảm bảo cho việc thi hành án sau này. 

Đọc thêm