Cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp trong Thi hành án dân sự

(PLVN) -Một trong những kết quả quan trọng trong công tác THADS thời gian qua đó là đã tạo ra sự chuyển tích cực về nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và công dân về công tác THADS. Tuy nhiên, hiện nay có một số quy định về vấn đề này đang có những bất cập.

Huy động vào cuộc của hệ thống chính trị

Hoạt động THADS đã được coi là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, giai đoạn 2009 đến nay cho thấy cơ chế mới đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Ban Chỉ đạo THADS các cấp. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm sát sao và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS.

Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với chính quyền địa phương thể hiện rõ nét nhất qua vai trò của Ban Chỉ đạo THADS. Ban Chỉ đạo THADS đóng vai trò là cầu nối để khơi thông và điều phối mối quan hệ giữa cơ quan THADS với các cơ quan khác trong địa giới hành chính của mình; đồng thời quan tâm công tác an sinh xã hội, công tác đảm bảo chăm lo ổn định đời sống của người dân tại địa phương trong chính hoạt động THADS, nhất là đối với trường hợp người phải thi hành án là người già, người neo đơn, người bệnh tật, thương bệnh binh, người có công, hộ gia đình khó khăn.

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác THADS được chú trọng. Hầu hết các địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa Cục THADS với các đơn vị liên quan. Đặc biệt, có địa phương đã chủ động ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các cấp với Cơ quan Tòa án, cơ quan THADS trong việc giải quyết các vụ án, tranh chấp, thi hành án có liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS.

Nhiều địa phương Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác THADS và tổ chức quán triệt trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, công tác THADS

Đề xuất bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp xã

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, trách nhiệm và sự phối hợp của cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác THADS ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả. Ban Chỉ đạo THADS một số nơi chưa phát huy được hết vai trò trong chỉ đạo công tác phối hợp. Còn có những cơ quan, đơn vị không phối hợp hoặc chậm phối hợp với cơ quan THADS trong việc xác minh, xác định hiện trạng tài sản thi hành án; thực hiện thủ tục đảm bảo, cưỡng chế, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án dẫn đến đương sự tẩu tán tài sản, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Hiện nay, chưa có biện pháp giải quyết khi Tòa án các cấp chưa kịp thời chuyển giao bản án, quyết định; chưa kịp thời trả lời hoặc không trả lời theo đề nghị của cơ quan THADS; chậm giải quyết yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên dẫn đến nhiều vụ việc không thể tổ chức thi hành án được.

Đối với quyền hạn của VKS, chưa quy định rõ về trách nhiệm của kiểm sát viên trong THADS, nhất là trách nhiệm khi đã kiểm sát việc tổ chức thi hành án nhưng không phát hiện được vi phạm và thời hạn trả lời kiến nghị của VKSND đối với Cơ quan THADS, Tòa án, Cơ quan hữu quan khác dẫn đến việc trả lời kiến nghị bị kéo dài thời gian, thậm chí không trả lời kiến nghị

Trong công tác phối hợp, nhận thức của nhiều UBND cấp xã vẫn chưa nắm rõ công tác THADS dẫn đến việc phối hợp chưa hiệu quả. Mặt khác số biên chế của chính quyền cơ sở rất hạn chế, công tác xác minh, đôn đốc giải quyết án lại là công việc thường xuyên của cán bộ THADS, trong khi đó mỗi xã chỉ có một đến hai cán bộ tư pháp phụ trách rất nhiều đầu việc của xã, do đó không thể bố trí cán bộ đi cùng với cán bộ THADS đôn đốc, xác minh việc thi hành. Như vậy, chưa quy định rõ trách nhiệm của UBND trong trường hợp cung cấp, xác nhận thông tin không đúng sự thực, đùn đẩy, không tích cực phối hợp thi hành nhiệm vụ theo pháp luật dẫn đến kết quả xác minh không chính xác, việc giải quyết THA không đạt kết quả.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi Luật THADS cần xác định lại vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân là một trong những cơ quan trực tiếp có liên quan đến hoạt động THADS mà không phải cơ quan phối hợp; Quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát hoạt động THADS; Nghiên cứu bổ sung quy định, nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp xã trong THADS theo hướng tăng cường, quy định rõ hơn.

Đồng thời tiến tới, chuyển giao cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành các vụ việc có giá trị nhỏ về án phí, khấu trừ thu nhập, cấp dưỡng nuôi con định kỳ hàng tháng...nhằm giảm tải một phần công việc cho cơ quan THADS.

Đọc thêm