Cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện ủy thác tư pháp

(PLVN) -Thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) hiện nay còn kéo dài làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các trình tự, thủ tục khác về thi hành án, gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho Chấp hành viên trong quá trình làm nhiệm vụ.

Thời hạn quá dài

Theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì mỗi lần UTTP cần phải thực hiện ít nhất 2 lần, lần đầu là 6 tháng, lần sau là 3 tháng. Như vậy, cần 9 tháng để thực hiện UTTP để tống đạt 1 văn bản cho đương sự lần đầu, từ văn bản thứ hai trở đi thời hạn là 4 tháng. Kể cả lần UTTP đối với văn bản đầu tiên không có kết quả thì đối với những văn bản tiếp theo, cơ quan THADS vẫn phải thực hiện UTTP.

Để khắc phục vấn đề này, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã sửa đổi quy định trên, theo đó thời gian thực hiện việc thông báo 1 văn bản cho đương sự ở nước ngoài cụ thể như sau: Đối với trường hợp UTTP có kết quả theo yêu cầu thì thời gian tống đạt 1 văn bản là 6 tháng; trường hợp tống đạt lần 1 không có kết quả thì mới thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 43 Luật THADS; trường hợp tống đạt lần 1 chưa đáp ứng yêu cầu thì UTTP lần thứ hai. Như vậy, trong trường hợp tống đạt văn bản có kết quả thì thời gian tối đa để tống đạt 1 văn bản là 12 tháng. Trong khi đó, số lượng văn bản cơ quan THADS cần thông báo cho đương sự rất nhiều, bao gồm: Quyết định thi hành án; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án; giấy báo, giấy triệu tập về thi hành án…

Thời điểm ban hành các Quyết định, giấy báo trên là khác nhau nhưng có chung đặc điểm là phải được thông báo cho đương sự. Do đó, trong trường hợp cần phải thực hiện UTTP thì về nguyên tắc, mỗi một văn bản được ban hành, cơ quan THADS đều phải thực hiện việc làm hồ sơ UTTP để gửi Bộ Tư pháp, sau đó phải chờ đợi một khoảng thời gian rất dài từ 6 đến 12 tháng.

Trong khi đó, quá trình tổ chức thi hành án, để tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, có rất nhiều quy trình, thủ tục cho đương sự có quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan THADS thực hiện như quyền tự nguyện thi hành án, quyền thỏa thuận, quyền được biết về các tranh chấp về tài sản thi hành án để thực hiện việc yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ quyền lợi…

Ngoài ra, thực tế còn cho thấy quá trình các cơ quan THADS lập hồ sơ UTTP còn gặp một số vướng mắc, lúng túng như: Chưa nắm vững quy trình UTTP, chưa thực hiện đúng yêu cầu về số lượng và bản chính hoặc bản sao của hồ sơ, việc lập hồ sơ đối với nhiều người; việc xác định ngôn ngữ, tính xác thực của bản dịch, chi phí dịch, cơ quan chuyên môn dịch, mẫu văn bản dịch để thống nhất áp dụng; biểu mẫu ủy thác; phí, chi phí UTTP; thủ tục lập lại hồ sơ UTTP lần hai; xác định không đúng cơ quan có thẩm quyền thực hiện UTTP…

Chưa quy định trách nhiệm nếu không thực hiện cam kết

Đối với trường hợp thi hành án đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, có những trường hợp người phải thi hành án đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng theo quy định chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự thì không được xuất cảnh về nước, nhưng ở lại thì họ cũng ít có khả năng tìm việc, có thu nhập tại Việt Nam để thi hành nghĩa vụ dân sự. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế thay thế, quy đổi nghĩa vụ dân sự như hình phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường… thành hình phạt tù nếu phạm nhân không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự để đảm bảo thực hiện đúng nghiêm pháp luật trong khi pháp luật một số nước thế giới đã có quy định này.

Đối với trường hợp này, khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 33/2020) đã quy định: Đối với người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Bao gồm: Là người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam, có đơn cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi về nước. Đơn cam kết phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó có quốc tịch về việc đôn đốc người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Có văn bản của cơ quan Công an hoặc cơ quan đại diện ngoại giao đề nghị cho xuất cảnh trong trường hợp cá nhân là người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam nhưng không được người được thi hành án cho xuất cảnh hoặc không xác định được địa chỉ của người được thi hành án hoặc người được thi hành án là người nước ngoài đã về nước và các trường hợp đặc biệt khác.

Tuy nhiên, luật lại chưa có quy định về hậu quả như thế nào trong trường hợp sau khi về nước, người phải thi hành án không thực hiện cam kết đó, cơ quan đại diện ngoại giao của nước bạn tại Việt Nam sẽ có trách nhiệm như thế nào đối với trường hợp này?

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần nghiên cứu xây dựng một chương riêng quy định về THADS có yếu tố nước ngoài, trong đó quy định những nguyên tắc, căn cứ áp dụng, trình tự, thủ tục được áp dụng riêng trong THADS có yếu tố nước ngoài, làm cơ sở cho Chấp hành viên thực hiện một cách thuận lợi.

Đọc thêm