Cần sự quyết tâm, thúc đẩy tiêu dùng bền vững

(PLVN) - Doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Nhưng để thực hiện xu hướng này, cần nhiều thay đổi từ chính sách cũng như hành động quyết liệt của người tiêu dùng.
Triển khai giảm dùng túi nilon tại Coopmart. (Ảnh: Quốc Huy)

Người tiêu dùng quyết định sự thành công của phát triển bền vững

Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp và khó lường đối với nhiều mặt của cuộc sống con người. Thực trạng này đã thúc đẩy các quốc gia trên toàn thế giới phải hành động để bảo vệ sự phát triển bền vững của nhân loại, trong đó, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc công bố và khuyến cáo các quốc gia thành viên cùng thực hiện.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã xác định “hiệu quả bền vững” là một trong các chủ đề thực hiện điều hành năm 2024. Cùng với đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã ban hành nhiều quy định nhằm tạo căn cứ pháp lý quan trọng cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững, đặc biệt đã có quy định cụ thể về khái niệm tiêu dùng bền vững, về chính sách của Nhà nước, về trách nhiệm của Bộ, ban, ngành, UBND các cấp, người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.

“Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những mắt xích quan trọng để bảo đảm hiệu quả của quá trình phát triển bền vững. Sản xuất, tiêu dùng bền vững không chỉ là trách nhiệm theo quy định của pháp luật, là xu hướng, yêu cầu của thực tiễn mà đây còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng (NTD) được đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước, trong đó NTD đã và đang ngày càng thể hiện rõ vị trí, tầm quan trọng và mức độ quyết định đối với thành công của hoạt động này” - ông Dũng nói.

Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, hiện các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; Cùng với đó đã sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường. NTD cũng ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; các hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngày càng phổ biến…

Rào cản thực hiện tiêu dùng bền vững

Mặc dù đánh giá việc sản xuất tiêu dùng bền vững đã được thực hiện và có lộ trình thực hiện khá tốt ở Việt Nam nhưng theo ông Tạ Đình Thi, các hoạt động đi đầu trong tiêu dùng xanh của hệ thống siêu thị chưa có tính bền vững, việc sử dụng túi nilon, bao bì khó phân huỷ vẫn còn phổ biến, chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận các sản phẩm, bao bì thải bỏ để đem đi tái chế… Bên cạnh đó, NTD cũng còn gặp khó khăn trong mong muốn thúc đẩy tiêu dùng xanh như giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh nhận định, xu hướng tiêu dùng xanh là không thể cưỡng lại và DN muốn có chỗ đứng buộc phải đầu tư nhiều hơn cho quá trình sản xuất. Do đó, DN phải tập trung đầu tư nhiều hơn cho các dây chuyền sản xuất công nghệ cao, không hao tốn nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên sử nguồn liệu thân thiện với môi trường...

“Nhưng thực tế cho thấy, thay đổi tư duy chỉ là điều kiện cần, quan trọng là có nguồn tài chính để đầu tư vào dây chuyền sản xuất làm ra các sản phẩm xanh. Đây là điều không dễ đối với DN. Do đó, để hỗ trợ các DN trong cuộc cách mạng xanh, cần giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và cung cấp động lực cho DN trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh như có thể xem xét hỗ trợ tài chính và chính sách; tăng cường thị trường và tiêu thụ...” - ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, với ngành dệt may, để có 1 sản phẩm “xanh” đúng nghĩa, khâu đầu tiên phải hướng đến việc khai thác nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Nhưng ngành này đang phải nhập khẩu trên 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, hiện hầu hết các quốc gia châu Âu đều đã có những quy định rất cụ thể về tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, DN sản xuất cần phải tra soát nguồn gốc thật kỹ, nếu không muốn những lô hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng, chịu thuế suất cao.

Ngoài ra, lãnh đạo Vitas cũng khuyến cáo các DN đây là xu hướng tất yếu, nếu phù hợp với khả năng và nguồn lực, DN có thể triển khai làm sớm, từ đó tăng thêm cơ hội khai thác những thị trường đẳng cấp, khó tính mở rộng thêm thị trường. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN chuyển đổi bắt kịp xu thế toàn cầu.

Đọc thêm