Nỗ lực giảm chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với mức giá vàng trong nước khoảng 90 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng thế giới ở 2 giai đoạn có 2 mức giá khác nhau, chênh lệch lên tới 300 USD/ounce, cho thấy nỗ lực kéo giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới của Ngân hàng Nhà nước.
Giá vàng trong nước luôn duy trì mức chênh lệch từ 3 - 5 triệu đồng/lượng so với thế giới. (Nguồn: laodong.vn).
Giá vàng trong nước luôn duy trì mức chênh lệch từ 3 - 5 triệu đồng/lượng so với thế giới. (Nguồn: laodong.vn).

Thị trường vàng tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới hôm qua (19/11) đã bật tăng lên đến 40 USD/ounce so với chốt phiên ngày hôm trước đó, lên dao động quanh mức 2.622 USD/ounce. Điều này kéo theo giá vàng trong nước cũng bật tăng theo với mức tăng 1 triệu đồng/lượng cho cả 2 chiều mua bán với cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Cụ thể, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức giá 82 - 85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, vàng nhẫn được niêm yết ở mức 81,8 - 84 triệu đồng/lượng.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá đồng USD, giá vàng hiện có mức giá là 80,6 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế phí). Như vậy, so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chênh lệch khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng. Đây luôn là mức chênh lệch được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận ở mức “lý tưởng” bởi theo các chuyên gia, mức chênh lệch nên rơi vào khoản từ 3 - 5 triệu đồng/lượng là hợp lý, tùy vào từng thời điểm cụ thể.

Cần phải nhắc lại, thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa can thiệp vào thị trường vàng, khoảng tháng 5/2024, khi giá vàng thế giới có những mức tăng lịch sử thì giá vàng trong nước cũng leo theo, lên mức đỉnh điểm. Đỉnh cao nhất của giá vàng thế giới thời điểm ấy rơi vào ngày 22/5/2024 khi giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.426 - 2.430 USD/ounce. Quy đổi sang đồng VND thì giá vàng tương đương 73 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng miếng trong nước lên đến 90,9 triệu đồng/lượng.

Sau đó vài ngày giá vàng giảm dần và ngày 1/6/2024, giá vàng thế giới giảm xuống còn 2.326,7 USD/ounce, quy đổi sang VND, giá vàng ở mức giá 70 triệu đồng/lượng. Thời điểm này, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức giá 82 - 85 triệu đồng/lượng. Như vậy có thể thấy, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng cao thì giá vàng trong nước tăng cao hơn hẳn, thể hiện ở mức chênh lệch ngày 22/5 lên đến gần 18 triệu đồng/lượng; mức chênh của ngày 1/6 “hạ nhiệt” hơn khi chỉ còn 15 triệu đồng/lượng.

Thời điểm hiện nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng gần 200 USD/ounce so với giai đoạn giá vàng trong nước lên đỉnh gần 91 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng trong nước đang được giao dịch ở mức giá 85 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, đây được đánh giá là nỗ lực điều hành thị trường vàng nhằm kéo giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới của NHNN.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây là do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh. Thị trường vàng của Việt Nam tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới, là biến động chung như các nước trên thế giới. Việt Nam không sản xuất vàng, nên giá trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, do đó, việc can thiệp phụ thuộc vào giá nhập khẩu vàng quốc tế.

Giá vàng trong nước duy trì mức chênh “lý tưởng”

Theo NHNN, từ năm 2014 đến tháng 5/2024, giá vàng theo điều chỉnh của thị trường trong nước theo diễn biến giá thế giới. Tuy nhiên, đến tháng 5/2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh cao khiến chênh lệch giá vàng giữa trong nước và quốc tế tăng cao (giai đoạn cao nhất lên đến 18 triệu đồng/lượng). Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc phải có biện pháp ổn định thị trường vàng. Do đó, căn cứ vào pháp luật hiện hành, NHNN đã thực hiện 9 phiên đấu thầu (đây vốn là giải pháp đã thực hiện rất hiệu quả trong năm 2013). Theo đó, từ 19/4 đến 23/5, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn vàng)

Song trong bối cảnh mới, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, tâm lý, kỳ vọng của thị trường cũng cao, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước vẫn ở mức cao. Do đó, NHNN đã chuyển sang phương án là bán trực tiếp qua 4 Ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Từ ngày 3/6 đến 29/10, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC, tương đương khoảng 11,46 tấn vàng.

“Nhờ cách thức này, chênh lệch giá vàng ở trong nước và quốc tế đang từ 15 - 18 triệu đồng/lượng, đến giờ chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/lượng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, “thị trường vàng vẫn còn diễn biến khó lường, phức tạp. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến này để đưa ra chính sách bình ổn thị trường vàng”.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nỗ lực điều hành và can thiệp thị trường vàng của NHNN nhìn thấy rất rõ và hiện đây đang là phương án tối ưu nhằm duy trì khoảng cách chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Khẳng định giá vàng trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá vàng nhập khẩu, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, NHNN không thể can thiệp vào giá vàng, do đó, việc giá vàng trong nước giai đoạn vừa qua có thời điểm lên đến 90 triệu đồng/lượng là điều bất khả kháng khi giá thế giới thời điểm đó lên đến 2.780 USD/ounce. Nhưng có thể thấy rõ, cùng là mức giá khoảng 90 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng thế giới giữa 2 thời điểm chênh lệch lên đến 300 USD/ounce.

Do đó, theo vị chuyên gia này, trong giai đoạn tới, chưa thể đánh giá diễn biến giá vàng thế giới sẽ đi theo chiều hướng ra sao vì còn phụ thuộc vào rất nhiều diễn biến chính trị cũng như lực mua của các ngân hàng trung ương của các quốc gia. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng, việc điều hành can thiệp thị trường vàng của NHNN sẽ kéo được tiền trong dân vào sản xuất kinh doanh thay vì “trú ẩn” ở vàng.

Đọc thêm