Hiện nay, hoạt động tổ chức THADS được giao cho hệ thống cơ quan THADS và tổ chức hành nghề Thừa phát lại thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp. Để thực hiện quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác THADS, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, các quy định pháp luật khác có liên quan và văn bản nội bộ đã quy định cơ chế kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo đó, cơ chế kiểm tra, giám sát trong THADS được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua các hoạt động kiểm tra của cơ quan THADS, hoạt động kiểm sát, thanh tra hoặc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS. Trong nhiều năm, công tác kiểm tra, giám sát trong THADS đã được thực hiện ngày càng bài bản với sự hoàn thiện dần cơ sở pháp lý về quy trình kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ.
Hiện nay, trong hệ thống THADS, pháp luật về THADS quy định hoạt động kiểm tra cho cơ quan quản lý THADS và từng cấp cơ quan THADS là khác nhau. Cụ thể, đối với cơ quan quản lý THADS là Tổng cục THADS thực hiện tổ chức kiểm tra đối với cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện. Cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 2 loại hình kiểm tra gồm: kiểm tra công tác THADS đối với cơ quan THADS cấp dưới và tự kiểm tra theo quy định. Cơ quan THADS cấp Chi cục thực hiện tự kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý công chức nói chung và theo nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra công chức trong thực hiện nhiệm vụ của Chi cục trưởng.
Việc quy định cấp trên quản lý, kiểm tra công tác THADS đáp ứng yêu cầu của mô hình quản lý tập trung thống nhất theo hệ thống ngành dọc đồng thời việc quy định mỗi cấp có các loại hình kiểm tra khác nhau thể hiện vị trí, vai trò của mỗi loại hình kiểm tra ở mỗi cấp cơ quan THADS là khác nhau.
Về hoạt động kiểm tra THADS của Văn phòng Thừa phát lại, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra hoạt động Thừa phát lại, trong đó có hoạt động kiểm tra tổ chức thi hành các bản án của Tòa án có phạm vi hẹp hơn, chỉ đối với việc tổ chức thi hành các bản án của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Từ khi thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị định số 61/2009NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2009NĐ-CP và đến nay là Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 thay thế các Nghị định nêu trên cho thấy, công tác kiểm tra THADS của các Văn phòng Thừa phát lại luôn được Nhà nước quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Thừa phát lại nói chung, khẳng định định hướng “từng bước thực hiện xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc THADS” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp là đúng đắn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm tra THADS vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế; tổ chức, bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra còn chưa nhiều kinh nghiệm, chưa đồng đều về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; một số cuộc kiểm tra chất lượng chưa cao; công tác hậu kiểm chưa sát sao; việc phối hợp trong công tác kiểm tra chưa được nhịp nhàng, kịp thời, việc tổng hợp thiếu sót, vi phạm, rút ra bài học kinh nghiệm chung trong toàn Hệ thống còn chưa được làm bài bản, thường xuyên…
Riêng đối với hoạt động kiểm tra THADS của Thừa phát lại, do hoạt động này không được giao cho Hệ thống THADS là cơ quan chuyên ngành quản lý THADS mà công việc này đang được giao cho cơ quan quản lý nhà nước (Cục Bổ trợ Tư pháp và Sở Tư pháp địa phương) nên vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối với việc tổ chức thi hành án của Thừa phát lại.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, theo Tổng cục THADS, về lâu dài, cần nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ cấu tổ chức độc lập thực hiện chức năng kiểm tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát. Đồng thời để đảm bảo tính chuyên nghiệp và tương đối độc lập, thống nhất trong toàn hệ thống THADS, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010, trong đó có đề xuất bổ sung quy định về cơ quan Thanh tra thuộc Tổng cục và tương đương để thực hiện chức năng thanh tra.