Cần sửa đổi luật để đáp ứng công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người

(PLVN) - Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; đáp ứng kịp thời công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người.
Đại biểu Vương Quốc Thắng phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Vương Quốc Thắng phát biểu tại phiên họp.

Rà soát để đảm bảo quy định phù hợp, thống nhất

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc giải thích khái niệm “mua bán người” là một bước tiến của dự thảo Luật so với Luật hiện hành.

Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý cần tiếp tục rà soát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để hoàn thiện quy định giải thích khái niệm này, bảo đảm chặt chẽ, tránh gây hiểu nhầm trong quá trình áp dụng, cũng như phù hợp với các bộ luật, luật liên quan.

Dự thảo Luật quy định việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên.

Theo Đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như vậy chưa phù hợp với Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017, theo đó tội mua bán người dưới 16 tuổi đã quy định hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền… là hành vi mua bán người.

Để tương thích với Bộ luật hình sự, Đại biểu đề nghị quy định theo hướng “việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên”.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) đề nghị nghiên cứu bổ sung “cơ quan công an” trong giải quyết việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân đến trình báo nhằm đảm bảo sự thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

“Theo quy định của Dự thảo Luật thì UBND cấp xã sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, xác minh nạn tự đến trình báo. Tuy nhiên, Điều 146 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa Dự thảo Luật và Bộ luật Hình sự, tôi đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung “Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an” vào khoản 1, Điều 26 của dự thảo Luật”, Đại biểu nói.

Bổ sung “người dân tộc thiểu số” là đối tượng được tăng cường thông tin, tuyên truyền

Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, dự thảo Luật quy định việc tiếp nhận khai báo về việc mua bán người là UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất để khai báo.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị quy định cụ thể cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được tiếp nhận khai báo. Đồng thời, nghiên cứu thêm về việc cơ quan Công an, đồn biên phòng và cơ quan cảnh sát biển có được tiếp nhận, xác minh nạn nhân đến trình báo không.

Về các biện pháp bảo vệ và bí mật thông tin, Đại biểu đề nghị cần bổ sung các biện pháp bảo vệ như giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ, nhằm tránh lọt, lộ thông tin về người cung cấp tài liệu, chứng cứ và tránh lộ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và tình trạng của nạn nhân.

Đồng thời, bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác nếu có căn cứ xác định người được bảo vệ có thể bị trả thù, đe dọa… Hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ nếu xét thấy việc đi lại của người được bảo vệ có thể gây ra lộ thông tin, bị đe dọa hoặc bị mua chuộc…

Khoản 5, Điều 7, Dự thảo Luật quy định “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người”.

Đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị nghiên cứu, bổ sung “người dân tộc thiểu số” là đối tượng được tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động tăng cường thông tin, tuyên truyền và giáo dục về phòng, chống mua bán người.

Bởi lẽ, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người thì một trong những nguyên nhân cơ bản của tội phạm mua bán người là do “tình trạng thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số do tác động của phong tục, tập quán dân tộc (thăm thân, bắt vợ…) nhẹ dạ, cả tin, dễ bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt” .

Bên cạnh đó, phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật cũng như về các thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người. Trên thực tế, số lượng đối tượng mua bán người và nạn nhân mua bán người là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao. Theo một Báo cáo nghiên cứu năm 2021 thì có hơn 60% đối tượng mua bán người và nạn nhân ở Việt Nam là người dân tộc thiểu số.

Đồng quan điểm, Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) chỉ ra rằng, trong số các nạn nhân mua bán người, số người là người dân tộc thiểu số chiếm đa số. Bên cạnh đó, do hạn chế về trình độ, nhận thức xã hội, điều kiện kinh tế khó khăn, nhẹ dạ, cả tin nên thường bị các đối tượng mua chuộc, lợi dụng lôi kéo để thực hiện hành vi mua bán người.

Đọc thêm