Cần tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm

(PLVN) - Sáng 2/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Toạ đàm Hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp và Dự án JICA đồng tổ chức.
Cần tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm

Tham dự buổi Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Luật sư Edagawa Mitsushi, Quyền cố vấn trưởng của Dự án JICA và các đại biểu, các chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành, tổ chức có liên quan. 

Phát biểu khai mạc tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm. Đặc biệt là trong bối cảnh Luật Dân sự 2015 có nhiều quy định mới về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam. 

Qua đó, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, đại biểu tham dự tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến những vấn đề cần hướng dẫn, những giải pháp pháp lý cần thực hiện nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành về giao dịch bảo đảm; vấn đề về thủ tục, quá trình để đăng ký một biện pháp bảo đảm… 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn buổi Tọa đàm này sẽ là nơi để các đại biểu, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp, cụ thể hóa và chi tiết thêm những vấn đề về thủ tục, quá trình còn gây vướng mắc liên quan đến giao dịch bảo đảm. 

 Thứ trưởng cũng mong muốn các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ quá trình hoàn thiện, hệ thống cơ chế bảo đảm của Nhật Bản.Qua đó tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm, vận dụng vào việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam. 

Báo cáo một số định hướng sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, bà Nguyễn Quang Hương Trà, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, trải qua hơn 10 năm thi hành, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm đã góp phần tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc giao kết và và thực hiện giao dịch bảo đảm, giúp đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch. Qua đó, tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận tín dụng cho người dân để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm trong thời gian qua cho thấy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm, qua đó tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Nghị định số 163. 

Ngoài ra, bà Trà cũng đưa ra một số định hướng cơ bản trong việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 163. Cụ thể là, tạo khung pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy việc dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, qua đó giúp khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản; hoàn thiện các quy định xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm nhằm tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong việc xử lý. 

Đặc biệt, về tài sản bảo đảm, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp mô tả chung về tài sản bảo đảm dẫn đến không xác định được tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, Dự thảo Nghị định hướng dẫn mô tả tài sản mang tính chất khuyến nghị đối với một số loại tài sản như hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh; hàng hoá trong kho; quyền tài sản… 

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, Luật sư Edagawa Mitsushi nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế bảo đảm đồng thời khẳng định cơ chế bảo đảm được sử dụng như một phương thức để bên có quyền bảo đảm tính xác thực của việc hoàn trả từ bên có nghĩa vụ. Đặc biệt, ở Nhật Bản, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý tài sản bảo đảm là toà án. 

Bên cạnh đó, ông Edagawa cũng nêu một số luận điểm và quy định về giao dịch bảo đảm ở Nhật Bản đồng thời đưa ra phương hướng xây dựng Nghị định mới về các biện pháp thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể là, nên xem xét từng điều khoản quy định về biện pháp bảo đảm trong Bộ luật dân sự 2015 xem có quy định nào cần bổ sung hay không. Thêm vào đó, cần xem xét các quy định trong Nghị định 163 xem liệu có quy định nào có thể kế thừa được, nên giữ nguyên hay sửa đổi, và sau đó sắp xếp chúng lại với nhau.

Tại buổi Toạ đàm, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã trình bày những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi tài sản bảo đảm đồng thời khẳng định một lần nữa sự cần thiết của việc ban hành Nghị định mới. Đặc biệt, phải có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn đối với các loại tài sản đặc thù, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản luân chuyển trong sản xuất kinh doanh, giấy tờ bảo đảm… 

Đồng tình với những chia sẻ trên, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cũng đặt ra vấn đề khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm bằng hồ sơ chuyển nhượng đất đồng thời đưa ra câu hỏi làm thế nào để có cơ chế “mở” hơn cho các tổ chức tín dụng? Không những thế, đại diện này còn yêu cầu Dự thảo Nghị định cần làm rõ các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng, thuế, đóng thuế cho các tài sản đi vay… 

Ngoài ra, các đại biểu, chuyên gia tham dự buổi Toạ đàm cũng bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn đồng thời cũng kiến nghị các phương hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến sự tách bạch giữa thời điểm có hiệu lực của giao dịch đảm bảo và thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba; thế chấp tài sản; bảo lưu quyền sở hữu tài sản; quyền khác đối với tài sản như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt…  

Đọc thêm