Cận Tết, người dân cần cảnh giác với tội phạm trộm cắp, lừa đảo

(PLVN) - Thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, người dân cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo và bảo quản tài sản thật tốt.
Khi gặp các trường hợp nghi ngờ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an

Thời gian gần đây, theo đánh giá của lực lượng công an, tình hình tội phạm an ninh mạng đã xuất hiện nhiều hơn, với các thủ đoạn tinh vi hơn, các đối tượng thường tấn công vào các tài khoản ngân hàng hoặc hack tài khoản mạng xã hội như facebook, Zalo…để mạo danh nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó còn có các thủ đoạn như ship nhầm hàng, chuyển nhầm tiền, hack sim... gia tăng đặc biệt trong thời điểm cuối năm, cận Tết.

Vào đầu tháng 11, bà D. (sinh năm 1953, Hà Nội) đã trình báo công an bị mất 6 tỉ đồng trong tài khoản. Trước đó, bà nhận được một cuộc điện thoại của một người tự nhận là Đại tá công an. Người này nói bà D. bị nghi liên quan đến đường dây ma túy và yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau khi làm theo yêu cầu của người này, toàn bộ số tiền trong tài khoản của bà D. lập tức biến mất.

Mới đây, Ngân hàng Vietcombank và nhiều ngân hàng khác cũng đã phải phát đi cảnh báo khách hàng về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Kẻ gian giả mạo đầu tin nhắn SMS của các ngân hàng để gửi tin đến điện thoại khách hàng về việc tài khoản bị khóa và yêu cầu khách hàng đăng nhập vào đường link đính kèm, sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của người dùng.

Ngoài việc lừa đảo trên mạng internet, các đối tượng tội phạm còn ‘tấn công’ trực tiếp đến tài sản là hiện vật của người dân.

Trong những ngày giáp Tết, người dân tại các thành phố lớn thường bắt đầu về quê ăn Tết, nhà cửa không ai trông nom, các công ty, doanh nghiệp đóng cửa, đây là điều kiện để các đối tượng trộm đột nhập, bẻ khóa lấy cắp tài sản.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự tại các tuyến đường phố cũng diễn biến phức tạp, tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông, va quệt, cướp giật cũng xảy ra nhiều hơn.

Lực lượng Công an triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm trộm cắp, lừa đảo

Thời điểm này, lực lượng Công an tại các tỉnh thành trên cả nước đều tăng cường quân số, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm trộm cắp, lừa đảo. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì cần nhất là ý thức cảnh giác, đề phòng của người dân.

Theo TS. Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình. Đối với loại tội phạm lừa đảo ở trên không gian mạng, người dân cần tìm hiểu các thủ đoạn, chiêu trò mà kẻ xấu đã thực hiện với người khác để có biện pháp đề phòng.

“Trong đời sống mọi người cần có ý thức bảo vệ tài sản của mình. Xe ô tô không nên đỗ qua đêm ở ngoài đường. Xe máy không để hớ hênh ở nơi công cộng. Tất cả những tài sản như vậy phải đưa vào bãi trông gửi cẩn thận, có lấy vé để đảm bảo sự an toàn” - TS. Đào Trung Hiếu cho biết thêm.

Ngoài ra, khi người dân về quê ăn Tết cần kiểm tra kỹ việc khóa cửa cổng hoặc cần có người trông nom. Đặc biệt, không nên thông báo những thông tin di chuyển của mình trên mạng xã hội, để các đối tượng xấu lợi dụng đột nhập khi mình vắng nhà. Luôn cảnh giác trong các tình huống khi bị người lạ đâm vào mình; những xô xát bất ngờ hoặc người lạ bắt chuyện.

Đối với tội phạm mạng, Bộ công an cũng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Trong các trường hợp nhận được tin nhắn hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo. Đối với những trường hợp này, người dân cần nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Khi gặp phải các trường hợp nghi ngờ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Đọc thêm