Cẩn thận 101 nguyên nhân gây thương vong cho trẻ ngày hè

(PLVN) - Những ngày hè, số lượng trẻ đến cấp cứu vì đuối nước, bỏng, thậm chí là rắn, bọ cạp cắn, ngã từ trên tòa nhà cao tầng, ngộ độc thức ăn, tai nạn giao thông…  nhiều hơn. Hàng ngàn đứa trẻ bị cướp đi sinh mạng, thương vong vì tai nạn thương tích mỗi năm khiến dư luận bàng hoàng, nhức nhối và gây nên nỗi đau tột độ của các gia đình nạn nhân.
Mùa hè, cẩn thận với trẻ bơi lội
Mùa hè, cẩn thận với trẻ bơi lội

Đuối nước và bỏng 

Theo Bác sĩ Lê Ngọc Duy (Bệnh viện Nhi Trung ương), mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 1.100 đến 2.000 trẻ bị tai nạn thương tích, nhất là vào mùa hè, các bác sĩ chứng kiến rất nhiều tai nạn thương tâm.

Theo các khảo sát, tỷ lệ trẻ em đuối nước cho thấy có 84% trẻ bị đuối nước do không biết bơi lại thường chơi đùa gần khu vực ao, hồ, sông... thiếu rào chắn an toàn, 41,9% trẻ tử vong do không được trang bị áo phao và thiết bị cứu hộ khi đi trên các phương tiện đường thủy.

Trong khi hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông, ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát, cống không có nắp... rất nguy hiểm.

Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy hay chậu tắm (đối với trẻ dưới 15 tháng tuổi) cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể ngã, bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Thậm chí, có trẻ hơn 1 tuổi bị chết đuối trong chậu tắm ngay tại nhà mình.

Bên cạnh đó, đáng báo động nhất có lẽ là những trường hợp trẻ nhỏ bị phỏng nước sôi, phỏng lửa, điện giật, bỏng bô xe…

Một vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra ở khu 3, Đồng Luận, Thanh Thủy, Phú Thọ. Nạn nhân là các cháu Lê Mạnh Hùng (8 tuổi), cháu Lê Khánh Linh (6 tuổi) bị bỏng độ 3, bỏng rải rác 50% cơ thể và bé Lê Ngọc An (2,5 tuổi) bị bỏng độ 2, chiếm 30% cơ thể.

Theo thông tin, ngày 9/8, cả 3 bé sang nhà cô ruột của mình chơi. Thấy cô nướng mực bằng cồn nên cả ba cháu đứng xem. Khi nướng mực, người cô lại không tắt quạt nên gió đã tạt lửa từ cồn bén vào các cháu đứng đó khiến cả ba cháu như ngọn đuốc sống. 

“Cứ đến hè là Khoa Bỏng luôn trong tình trạng kín chỗ, 60-70% bệnh nhân nằm viện là trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyễn Thống, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay.

Điều đáng lo là, có đến gần một nửa số trẻ bị bỏng nằm viện để lại di chứng trên cơ thể. Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng sâu phải cấy ghép da. Để hạn chế tai nạn bỏng, ngoài cẩn thận với phích nước, nồi nước sôi, bếp nấu, các gia đình không đựng thuốc tẩy, hóa chất, xăng, dầu vào các chai nước và phải để chúng xa tầm với của trẻ.

 

Bị té ngã trên cao, hóc dị vật, tai nạn giao thông 

Khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cũng cấp cứu khá nhiều trẻ bị té ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng cũng hay bị té ngã xuống đất, nhẹ thì chấn thương, gãy tay, nhưng cũng có trẻ liệt tứ chi, có trẻ bị hàng rào sắt xuyên qua người, thậm chí gây chết người.

Vào khoảng 22h30 ngày 24/4/2019, người dân Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện một bé gái nằm bất động dưới đất sau tiếng động lớn. Bé được đưa đi cấp cứu ngay sau đó trong tình trạng giãn đồng tử, đa chấn thương và tử vong sau vài giờ. Cách đó 4 ngày, vào ngày 20/4, một bé trai 4 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 11 của chung cư VinaHud - Cửu Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuống trúng phần mái che tầng 1.

Phát hiện vụ việc, bảo vệ và người dân đã khẩn trương đưa nạn nhân đến Bệnh viện Thanh Nhàn để cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi. Cũng theo người dân, thời điểm trên căn hộ bé trai đang sống khóa trái cửa, không có người lớn ở nhà.

Trước đó vào ngày 31/3, nhiều người dân sinh sống tại khu vực chung cư B5 đường Nguyễn Cơ Thạch (phường Cầu Diễn) bất ngờ nghe thấy tiếng động lớn phát ra tại khu vực phía sau tòa nhà. Khi tới kiểm tra, họ phát hiện bé trai nằm bất động dưới nền đất và báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bé trai đã tử vong.

Tỉ lệ trẻ bị tai nạn giao thông ở thành phố rất cao so với trẻ ở nông thôn, nhiều trẻ đi với cha mẹ. Nhưng do trẻ thường tinh nghịch, cha mẹ vừa rời mắt là lập tức trẻ chạy nhảy, băng qua đường và tai nạn thương tâm xảy ra. Chuyên gia y tế lưu ý phụ huynh khi chở con nếu bằng xe hơi phải cài dây an toàn cho trẻ.

Còn chở con bằng xe máy, các phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho con. Khi đi xe máy, không thắt dây giữa trẻ và người lớn, hoặc không đội mũ bảo hiểm vì khi ngã xuống đường trẻ sẽ bị chấn thương nặng nề hơn. Di chuyển bằng xe máy nên để trẻ ngồi phía trước, khi trẻ ngồi phía sau phải có người lớn đi kèm.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khỏi bị tai nạn giao thông, phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông; khi trẻ qua đường phải có người lớn đi kèm và nắm chặt tay để tránh tình huống bé bỏ tay và chạy bất ngờ; phụ huynh cho bé đi ở những nơi có làn đường dành cho người đi bộ; đi đúng vỉa hè, cách xa các phương tiện giao thông.

Phụ huynh cũng không nên cho trẻ chơi ở lòng đường hoặc gần đường giao thông. Trường hợp nhà gần đường, gia đình cần làm hàng rào, cổng, cửa chắn, khóa cửa tránh trẻ lao ra đường.

Hóc dị vật cũng là tai nạn thường gặp ở trẻ. Trong đó, trẻ từ 1 đến 4 tuổi thường bị hóc dị vật nhất. Nếu không cứu chữa kịp thời hoặc sơ cứu không đúng, trẻ sẽ bị nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tại Khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi Trung ương), bác sĩ Phan Thị Hiền chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do bị hóc dị vật, thậm chí có tuần phải chữa cho 4-5 bé. Vật khiến trẻ bị hóc thường là đồng xu, cúc áo, hạt vòng, viên bi… Cá biệt, có một số trẻ còn nuốt cả những vật sắc nhọn như đinh vít, mẩu nhựa đồ chơi... rất dễ gây thủng thực quản”.

Hóc dị vật đường thở sẽ dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Trong vòng 3-4 phút, trẻ sẽ bị chết não và quá 10 phút thì không thể cứu chữa. Do đó, khi phát hiện trẻ hóc dị vật, cần ngay lập tức cho nạn nhân nằm sấp dọc trên tay của người lớn (nếu trẻ nặng thì đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng (chỗ giữa 2 xương bả vai) khoảng 5 cái để tạo áp lực lồng ngực, kích thích ho nhằm đẩy dị vật ra ngoài.

Còn khi trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo liên tục - kể cả trên đường đến bệnh viện. Các bác sĩ lưu ý: “Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức. Không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt xuôi ngực vì dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, thậm chí vào phổi”.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay; không để các vật dụng nhỏ như kim, chỉ, đinh ốc, hạt cườm, thuốc… trong tầm với của trẻ.

Phụ huynh cũng hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn có nguy cơ gây hóc như các loại hạt; hướng dẫn để bé không ngậm đồ ăn, hạn chế hỏi chuyện hay gây chú ý với trẻ trong lúc ăn. Khi bé ăn các thực phẩm có như cá, tôm, cua... phụ huynh cần phải kiểm tra kỹ để tránh hóc cho trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, trong việc phòng tránh tai nạn thương tích, vai trò của cha mẹ và người chăm sóc trẻ là hết sức quan trọng. Các bậc phụ huynh không nên để trẻ đến gần những nơi nguy hiểm như bếp than, lò sưởi, thiết bị điện. Trẻ nhỏ hiếu động, thích leo trèo, vì thế, cầu thang phải có lan can, cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ. Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh kính... hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc như cúc áo, đồng xu, viên bi, hạt lạc…

Các gia đình cần giáo dục cho trẻ khả năng nhận biết các loại biển báo nguy hiểm (cấm lửa, cấm trèo, điện giật…). Trẻ lớn cần được học bơi, kỹ năng thoát hiểm… Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức thực hành sơ cứu người bị tai nạn thương tích cho cha mẹ, giáo viên để có thể xử lý kịp thời nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Mùa hè đang đến, để hạn chế đến mức thấp nhất những thương vong của trẻ, các gia đình cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bảo vệ con em mình.

Đọc thêm