Cơ bản, các ý kiến đồng tình, việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả giám định tư pháp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, cho ý kiến về quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các tổ chức chuyên môn khác trong tiếp nhận trưng cầu giám định. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp theo hướng mở rộng quyền tự do yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng và mở rộng phạm vi lĩnh vực được thành lập Văn phòng giám định tư pháp đến một số lĩnh vực thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động giám định tư pháp để nâng cao tính hội nhập và tháo gỡ các điểm nghẽn. Thứ trưởng nhấn mạnh cần rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các vướng mắc để xây dựng các chính sách phù hợp đảm bảo hợp Hiến, hợp pháp, đồng bộ với pháp luật trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần quy định rõ về thời hạn, minh bạch trong các thủ tục giám định; nêu rõ điều kiện cần và đủ, lộ trình để xã hội hóa đảm bảo khả thi; đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp…