Cần thay đổi phương pháp và nhận thức về pháp luật cho thanh, thiếu niên

Mặc dù số trẻ vị thành niên phạm pháp có xu hướng gia tăng nhưng công tác phòng chống vi phạm lại mới chỉ thiên về chống và trừng trị. Đã đến lúc toàn xã hội cần thay đổi nhận thức, chú trọng hơn nữa đến công tác phòng ngừa, và trước hết có thể bắt đầu từ việc tập trung phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên (TTN).

Mặc dù số trẻ vị thành niên phạm pháp có xu hướng gia tăng nhưng công tác phòng chống vi phạm lại mới chỉ thiên về chống và trừng trị. Đã đến lúc toàn xã hội cần thay đổi nhận thức, chú trọng hơn nữa đến công tác phòng ngừa, và trước hết có thể bắt đầu từ việc tập trung phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên (TTN).

Tội phạm tuổi vị thành niên. Ảnh minh họa

Không chỉ vi phạm luật hình sự

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, thiếu kiến thức về pháp luật trong TTN ngày càng gia tăng, đặc biệt là pháp luật hình sự. Chỉ vì những mâu thuẫn, hiểu lầm rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ vị thành niên sẵn sàng xuống tay với mọi người xung quanh.

Nhiều người dân Hà Nội hẳn còn chưa quên một vụ án man rợ khác xảy ra ngày 2/5/2007, tại cửa hàng rửa xe máy số 888 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Do thù tức cá nhân với gia đình nhà chủ, nhân viên rửa xe Lê Ngọc Chung (lúc ấy chưa đủ 16 tuổi) đã đâm chém cả 5 người trong gia đình khi họ đang ngon giấc, làm 3 người chết và 2 người bị thương nặng.

Chiều 24/10/2009, tại khu vực trước cổng trường THPT Nguyễn Trãi, anh Trần Công Duy và anh Hoàng Minh Tuấn (cùng SN 1991) bất ngờ bị một nhóm thanh thiếu niên dùng dao và tuýp nước tấn công, khiến anh Duy tử vong đúng trong ngày sinh nhật của mình, anh Tuấn bị thương nặng.

Qua truy xét, Công an quận Ba Đình bắt giữ 9 đối tượng liên quan, đều ở tuổi vị thành niên đang là học sinh của trường THPT nói trên và trường THPT bán công Đống Đa. Nguyên nhân vụ án hoá ra thật đơn giản, do nhóm sát thủ tuổi teen đi trả thù hộ bạn gái bị một nhóm học sinh trường khác đánh và đã chém… nhầm anh Duy và anh Tuấn.

Bên cạnh tỷ lệ phạm pháp hình sự cao thì ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của TTN cũng rất kém. Nhiều TTN ngang nhiên vi phạm luật lệ giao thông, tổ chức đua xe, đánh võng trên đường, mang theo vũ khí, tỏ ra manh động sẵn sàng chống đối nếu bị lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động ách lại và rất hay “hoạt động” về đêm.

Chưa chú trọng phòng ngừa

Theo một kết quả điều tra xã hội học, có tới 38,8% người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật xuất thân từ những gia đình có cha mẹ làm nghề buôn bán. Trong đó, có hơn 40% số trẻ em được trực tiếp phỏng vấn cho biết đang sống trong hoàn cảnh gia đình không bình thường như 12% chỉ sống với mẹ, 4% chỉ sống với bố, 3,1% sống với cha mẹ kế, còn lại sống với người khác. Trong số NCTN vi phạm pháp luật có tới 17% là những trẻ lang thang, vô gia cư; 71,37% số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trả lời không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và gia đình.

Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là thiếu các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng (như trung tâm tham vấn kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ...) và thiếu các chương trình bảo vệ xã hội (như chính sách trợ cấp, chính sách tăng thu nhập gia đình, giới thiệu việc làm...) để hỗ trợ NCTN và gia đình vượt qua khó khăn, phòng ngừa tội phạm và tái phạm. Hầu hết các đối tượng trong nhóm NCTN có nguy cơ đều cho biết họ không tham gia vào một chương trình phòng ngừa nào tại cộng đồng.

Song có thể không quá khi nói rằng, công tác giáo dục, phòng ngừa và cải tạo cho NCTN phạm tội hiện nay còn nhiều hạn chế và yếu kém. Công tác chống tội phạm nặng về mặt chống và trừng trị, chưa chú ý đến công tác phòng ngừa. Trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức chưa rõ ràng, khó quy trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật trong lứa tuổi chưa thành niên cũng còn nhiều quy định chưa phù hợp, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể.

Từ những phát hiện trên có thể thấy NCTN rất cần hỗ trợ của cộng đồng. Và Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho TTN giai đoạn 2011 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là một “mắt xích” quan trọng thể hiện sự quan tâm của cộng đồng. Đề án đã nhấn mạnh: “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và của mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực và tổ chức triển khai mạnh mẽ công tác này”.

 Mục tiêu chung của Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho TTN giai đoạn 2011 – 2015 là đến hết năm 2015, nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của TTN được nâng cao rõ rệt. Còn một trong những mục tiêu cụ thể là giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là TTN, số vụ vi phạm pháp luật có TTN tham gia.

Hàn Thu

Đọc thêm