Một nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) đã cho thấy, hiện nay Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ nên phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa.
Hơn một thập kỷ qua, kinh tế nền tảng số đã phát triển như vũ bão với những tên tuổi như Facebook, Google, Fintech (công nghệ tài chính), Airbnb, Uber, Grab, Wechat, Youtube, LinkedIn, Tinder, edX, Coursera, Bitcoin, Xbox, Udemy, Amazon, Alibaba…
Tuy nhiên, trước đây, tại buổi Tọa đàm “Tình hình Kinh tế Nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và Thảo luận” do VEPR tổ chức hôm 5/12, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự chuyển đổi kinh tế số vẫn còn quá chậm chạp. Việt Nam đang bị tụt lại trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đi sau rất nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, chứ chưa bàn đến thế giới.
VEPR chỉ ra, trong xây dựng kinh tế nền tảng số, Việt Nam đang đối diện với những vấn đề từ pháp lý, đạo đức, an toàn an ninh mạng, quyền riêng tư cho tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng, cùng việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển chính phủ điện tử một cách kịp thời với thái độ phù hợp nhằm đáp ứng những biến đổi của thời đại.
Nhằm khắc phục các khó khăn kể trên và để bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế nền tảng trên thế giới, các chuyên gia tại Tọa đàm “Tìm kiếm một tầm nhìn chính sách về Kinh tế nền tảng số cho Việt Nam” diễn ra hôm nay – 19/12 cho rằng, giới hoạch định chính sách tại Việt Nam sẽ cần có những thay đổi trong quan điểm và cách nhìn đối với loại hình kinh tế mới nổi này.
Tọa đàm “Tìm kiếm một tầm nhìn chính sách về Kinh tế nền tảng số cho Việt Nam” |
Trong kinh tế nền tảng số, việc bảo vệ dữ liệu riêng tư là vô cùng cần thiết. PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết: “Một trong những bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết, đó là cân bằng giữa việc định danh cá nhân để nâng cao uy tín trong giao dịch với việc bảo vệ thông tin của người dùng”.
Hiện Chính phủ đang xây dựng hai Nghị định: Nghị định về định danh xác thực và Nghị định về chia sẻ dữ liệu sẽ giải quyết phần nào những vấn đề cơ bản mà Việt Nam đang gặp phải khi xây dựng kinh tế nền tảng số, gồm việc định danh tất cả mọi người, tất cả các giao dịch để loại bỏ thông tin giả mạo.
Kinh tế nền tảng số (Digital Platform Economy) là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và mặc định được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Kinh tế nền tảng số không những giúp tăng năng suất lao động mà còn thay đổi bản chất nghề nghiệp của mỗi cá nhân.