Cần thể hiện trách nhiệm một cách tỉnh táo

(PLO) - Sự kiện bất ổn môi trường dẫn đến cá chết hàng loạt thời gian qua ở vùng miền các tỉnh miền Trung nước ta đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Thế nhưng, bên cạnh tuyệt đại đa số những nỗ lực, cố gắng đầy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như nhân dân, đã và đang có những kẻ cố tình lợi dụng, kích động, đẩy vụ việc sang chiều hướng tiêu cực...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài và nhiều tiềm năng, mỗi ngày nước ta có hơn 2 triệu người dân làm ăn, sinh sống trên biển. Sự cố môi trường biển nghiêm trọng xảy ra những ngày qua là nỗi lo lắng, bức xúc của không chỉ hơn 2 triệu người dân ấy mà còn là nỗi tâm tư chung của mọi người dân yêu nước, biết trân trọng giá trị của môi trường. 

Ngay khi phát hiện sự việc, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương ngay lập tức đã tập trung nỗ lực cao độ xem xét, tìm các biện pháp xử lý, khắc phục, sớm ổn định đời sống người dân. Thế nhưng... 

Nhiệt tình kiểu “bất thường” 

Theo dõi tình hình thời sự trong nước, có thể dễ nhận thấy trong nhiều ngày nghỉ cuối tuần gần đây, không ít các đối tượng xấu đã manh động “tổ chức phát động” những hoạt động với nhiều tên gọi như “xuống đường vì môi trường”, “chọn cá không chọn thép”... 

Thậm chí, trên nhiều trang mạng xã hội, những kẻ này còn không ngần ngại tung những lời dụ dẫn ma mị, lừa phỉnh, hô hào cổ súy cho một cuộc “tổng biểu tình”, “xuống đường bảo vệ môi trường biển Việt Nam, bảo vệ sự sống cho chính chúng ta và gia đình”… 

Nguy hiểm hơn, những lời “kêu gọi” ấy dần dần “lèo lái” sang góc độ chính trị, cố tình gán ghép với một sự kiện lớn được toàn dân quan tâm là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 — 2021 với chiêu bài “môi trường biển sạch, môi trường bầu cử minh bạch”... rồi hô hào tụ tập, tuần hành nêu kháng nghị... 

Trên mạng internet còn xuất hiện cái gọi là “thư ngỏ” với nội dung kích động mọi người xuống đường tập hợp vào ngày 1/5 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hô hào “mọi người ở bất cứ nơi nào có thể biểu thị với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản facebook”. 

Mượn danh “bảo vệ môi trường”, thư ngỏ này đề dẫn: “Chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều thảm họa về môi trường đến như thế. Vì nhiều lý do như: đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, thay đổi khí hậu… Và nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự quan tâm của chính mỗi người dân đến môi trường sống của mình”, từ đó thư “khuyên người dân xuống đường”… 

Lật tẩy những “trò hề”

Những ngày qua, Công an hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, khai thác 2 đối tượng là Trương Minh Tam (trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội) và Chu Mạnh Sơn (trú ở Yên Thành, Nghệ An) có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh để tán phát trên Internet nhằm kích động người dân tuần hành. 

Đây không phải là lần đầu tiên âm mưu, thủ đoạn kích động tuần hành, tụ tập để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch bị phát hiện. 

Một báo cáo của cơ quan an ninh (Bộ Công an) cho biết: Từ năm 2005 đến nay, một số tổ chức NGO có liên quan trực tiếp tới dân chủ và “hoạt động lật đổ” như Quỹ Dân chủ quốc gia (NED), Viện Dân chủ quốc gia (IRI), Trung tâm đoàn kết lao động quốc tế Mỹ (ACILS), Viện quốc tế Đảng Cộng hòa… đã vào Việt Nam nhằm “dựng lên các nhóm chính trị, tổ chức dân sự, các phong trào nhằm tạo dựng lực lượng chính trị trước các cuộc bầu cử, chuẩn bị cho việc xuống đường, biểu tình, tổng đình công… gây sức ép với Đảng và Chính phủ, tiến tới thay đổi chế độ XHCN ở Việt Nam”. 

Tổ chức phản động Việt Tân và các tổ chức phản động khác từng đưa lực lượng từ Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á để huấn luyện phương thức lật đổ theo kiểu “cách mạng màu”, “đấu tranh bất bạo động”. 

Chúng từng mở 4 khóa huấn luyện tại TP Hồ Chí Minh cho hàng chục trí thức, sinh viên và từ trước năm 2012 đã hình thành các nhóm và chi bộ “Việt Tân”, tổ chức nên Hội dân oan chuyên móc nối, lôi kéo những người khiếu kiện, phát triển lực lượng ở các khu công nghiệp lớn. 

Các thế lực phản động còn tổ chức nhiều đợt thu thập chữ ký vào thỉnh nguyện thư với qui mô lớn gửi chính quyền Mỹ. Đặc biệt từ sau Đại hội XI của Đảng, cơ quan công an đã thu được nhiều bằng chứng xác thực về âm mưu của Việt Tân và các tổ chức phản động lợi dụng các cuộc biểu tình “phản đối Trung Quốc” để tập dượt “cách mạng sắc màu” ở Việt Nam. 

Trách nhiệm và tỉnh táo 

Thực tế đó cho thấy, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thể hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình một cách tỉnh táo, đúng đắn, không nên chủ quan, vô hình trung tiếp tay cho những âm mưu, thế lực đen tối. 

Trước những lời kích động “tổng biểu tình vì môi trường”, thiết nghĩ mỗi chúng ta đừng vội quên rằng vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, lợi dụng sự bức xúc, lòng yêu nước của đồng bào cả nước, một số tổ chức phản động đã lôi kéo người dân tụ tập, gây ra các cuộc tuần hành ở nhiều tỉnh, thành. 

Dưới sự kích động của chúng và sự thiếu tỉnh táo của không ít người dân, các cuộc tuần hành đã dần chuyển sang quá khích, đập phá tài sản, máy móc của các doanh nghiệp, thậm chí xảy ra nạn trộm cắp, hôi của. Không chỉ làm xảy ra chết người, bị thương nhiều người, làm hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà hoạt động của một số doanh nghiệp bị gián đoạn, hàng nghìn lao động Việt Nam bị mất việc làm. 

Nguy hại hơn, sau đó chính chúng ta đã phải chi một số tiền bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp rất lớn, tính bằng con số hàng triệu USD. Sự việc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Trước những âm mưu, thủ đoạn lôi kéo người dân tụ tập, tuần hành hiện nay, mỗi chúng ta cần phải tỉnh táo, cảnh giác, đề cao trách nhiệm công dân, không tham gia, ủng hộ những lời kêu gọi, tiếp tay cho kẻ xấu, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng làm phức tạp tình hình nhằm phá hoại cuộc bầu cử hoặc gây ra các sự cố gây rối, phá hoại như cách đây 2 năm.

Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, cùng chính quyền tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân miền Trung ổn định sản xuất; đồng thuận để giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của mỗi người dân Việt Nam. 

Cần hết sức cảnh giác với những “thư ngỏ”, “lời bạch” với nội dung kêu gọi, kích động người dân xuống đường, mượn chiêu bài “chung tay bảo vệ môi trường”, phản ứng trước “thảm họa cá chết hàng loạt” ở biển miền Trung song thực chất đằng sau đó là âm mưu nguy hiểm của kẻ xấu. Các đối tượng xấu lợi dụng sự bức xúc của người dân, sự thiếu kiềm chế và nhiều khi là suy nghĩ và hành động theo đám đông để kéo họ xuống đường, tụ tập, từ đó gây sức ép đến các cấp chính quyền và kích động, gây ra những hành vi phá rối nguy hiểm. 

Yêu nước là điều đáng quý, là lẽ thiêng liêng. Bức xúc trước môi trường bị xâm hại, đời sống người dân bị ảnh hưởng tiêu cực là điều cần thiết song sẻ chia với đồng bào bị thiệt hại như thế nào cho đúng mực, đúng quy định chứ không nên mắc mưu, tiếp tay cho sai phạm. 

Hành động dưới danh nghĩa “yêu nước, bảo vệ môi trường” mà không đúng là vừa vi phạm pháp luật, vừa gây mất trật tự, an ninh kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề chính trị, ngoại giao, tự ta làm hại ta, phải hết sức cảnh giác. Trái lại, cần bình tĩnh, để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đúng pháp luật, có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đời sống nhân dân. 

Như cha ông ta đã dạy, dũng khí cần song hành với mưu lược, nhiệt huyết phải song hành với sự tỉnh táo, có trái tim nóng cùng cái đầu tỉnh táo, có lý trí suy xét đúng- sai, phải - trái. Thể hiện trách nhiệm một cách tỉnh táo, có lý trí, đúng lúc, đúng mức và đúng chỗ chính là thái độ cần có, nên có của mỗi công dân yêu nước chân chính...

Đọc thêm