Cần thiết quản lý 3 dịch vụ viễn thông mới

(PLVN) - Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quản lý 3 dịch vụ viễn thông mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Quang cảnh phiên họp sáng 24/8. (Ảnh: Quochoi.vn)
Quang cảnh phiên họp sáng 24/8. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Phiên họp thứ 25, xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KHCN&MT) thấy rằng, Dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.

Dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ này sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” đối với 3 dịch vụ nêu trên. Cụ thể là không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống; chỉ quy định nguyên tắc về điều kiện hoạt động, giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu quản lý...

Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần quản lý và chỉ quản lý ở mức “đăng ký và thông báo”. Đồng thời, phương thức quản lý phải phù hợp đối với các dịch vụ mới. Do đó, cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về nội dung này và tính toán kỹ lưỡng, thận trọng để áp dụng phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, do đây là 3 dịch vụ mới nên không phải ai cũng có thể hiểu hết, đòi hỏi bổ sung các khái niệm ngay trong Dự thảo Luật.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc đưa vào quản lý 3 dịch vụ để chính thức hóa vì các dịch vụ này ngày càng quan trọng mà chưa được đề cập ở đâu. “Quản lý nhẹ” thúc đẩy phát triển song vẫn đảm bảo hoạt động lành mạnh vì hiện có sự cạnh tranh rất mạnh.

* Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Đọc thêm