Cần Thơ: Cần tháo gỡ vướng mắc trong án tín dụng, ngân hàng

(PLVN) - Các vụ việc liên quan tín dụng, ngân hàng thường có giá trị tài sản lớn, nhiều tình tiết phức tạp nên trong quá trình thực hiện thường phát sinh vướng mắc, khiến thời gian thi hành án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành THADS TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả nhất định. Về việc, tổng thụ lý gần 12.750 việc, tăng hơn 250 việc so với cùng kỳ. Tổng số thi hành là hơn 12.500 việc, trong đó có hơn 9.000 việc có điều kiện và đã giải quyết gần 4.000 việc, đạt tỷ lệ 44,24%, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Về tiền, tổng thụ lý hơn 2.990 tỷ đồng. Tổng số phải thụ lý là gần 2.880 tỷ. Trong đó có hơn 1.470 tỷ có điều kiện giải quyết và đã giải quyết xong gần 245 tỷ, giảm 8,5% so với cùng kỳ.

Về các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải giải quyết 1.016 việc với số tiền gần 1.960 tỷ đồng, chiếm 8,1% về việc và 68,1% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết. Trong đó, đã giải quyết được 60 việc, thu được số tiền hơn 192 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,9% về việc và 9,8% về tiền trên tổng số phải thi hành.

Mặc dù ngành THADS TP Cần Thơ đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó tập trung vào các án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc chưa có điều kiện thi hành, một số việc phải thi hành định kỳ kéo dài nhiều năm…

Theo đánh giá của ngành thi hành án địa phương, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên. Ông Nguyễn Nguyên Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức THADS - Cục THADS TP Cần Thơ cho biết, án tín dụng ngân hàng bị đình trệ là do chấp hành viên một số chi cục thiếu tập trung, nhiều vụ việc kéo dài do thỏa thuận các bên.

Có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là khâu kiểm tra, thẩm định, bán đấu giá tài sản thi hành án (Ảnh minh họa)
 Có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là khâu kiểm tra, thẩm định, bán đấu giá tài sản thi hành án (Ảnh minh họa)

Đồng thời, hồ sơ thi hành án thiếu chặt chẽ, có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là khâu kiểm tra, thẩm định, bán đấu giá tài sản thi hành án. Nhiều tài sản đã kê biên, giảm giá nhiều lần nhưng vẫn chưa bán được; giá trị tài sản phải thi hành lớn, người phải thi hành án không có khả năng thi hành dứt điểm bản án.

Theo ông Hồng, vướng ngại lớn nhất là công tác phối hợp giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng với cơ quan THADS. Đồng thời, khâu thẩm định cho vay nhiều trường hợp trước đây không chặt chẽ, thiếu kiểm tra…các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các bên liên quan chưa thống nhất phương án giải quyết. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết chung của ngành.

Để giải quyết vấn đề này, Cục THADS TP đã kiến nghị Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Cần Thơ có công văn đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trên địa bàn xây dựng và triển khai kế hoạch THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo tìm giải pháp kiểm tra hồ sơ, chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan. “Lãnh đạo Cục đã làm việc với 4 ngân hàng yêu cầu các Chi cục trưởng, Chấp hành viên, Phòng nghiệp vụ cùng tham dự để tìm định hướng giải quyết”, ông Hồng nói. Qua đó, cho thấy, chấp hành viên, các chi cục THADS quận, huyện đã có nhiều cố gắng, bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tuy nhiền, còn một số Chi cục để loại việc này tồn đọng nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết án.

Các án tín dụng, ngân hàng còn nhiều vướng mắc do công tác phối hợp xử lý chưa đồng bộ, thống nhất (Ảnh minh họa)
Các án tín dụng, ngân hàng còn nhiều vướng mắc do công tác phối hợp xử lý chưa đồng bộ, thống nhất (Ảnh minh họa) 

Trước thực tế đó, lãnh đạo Cục THADS chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát hồ sơ đang thi hành, nghe báo cáo đầy đủ về hồ sơ thi hành án nhất là về trình tự, thủ tục thi hành án; chỉ đạo xử lý ngay những vướng mắc, khó khăn, các vụ việc chuẩn bị thẩm định, bán đấu giá, đảm bảo trình tự, thủ tục khi tài sản đã bán đầu giá thành phải giao tài sản.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của trưởng phòng chuyên môn, chi cục trưởng, chấp hành viên trong việc kiểm tra, rà soát các loại việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn. Mỗi chi cục THADS phải chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện hàng tháng, quý tìm ra giải pháp tối ưu để đẩy nhanh tiến độ thi hành án.

Đặc biệt, đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án trong việc giải quyết thi hành án. Khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định chặt về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động gia trị tài sản khi vay vốn và mục đích vay để hạn chế việc khi xử lý tài sản phát sinh các tranh chấp về quyền tài sản ngoài hợp đồng, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong việc thi hành án. 

Đọc thêm