Hiện nay, sở hữu trí tuệ đã ngày càng chứng tỏ được vai trò trong việc phát triển khoa học công nghệ và kinh tế xã hội, và đặc biệt tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực canh tranh không chỉ trong thị trường nội địa mà còn vươn xa hơn ra kinh tế quốc tế.
Theo ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình (tài sản trí tuệ) chiếm tỷ lệ hơn 80% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để nâng cao lợi nhuận, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện sản xuất doanh nghiệp cần hết sức chú trọng khâu xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
Vì tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp nên các đơn vị trong giới chuyên môn luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển loại hình tài sản này.Bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng Phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua thành phố đã hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Cụ thể, đã hỗ trợ tư vấn, phí đăng ký bảo hộ cho 90 tài sản trí tuệ cho 68 cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị giai đoạn 2018-2020.
Ông Trần Quốc Thắng – Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐBSCL cần có sự hiểu biết về tài sản trí tuệ của mình. Doanh nghiệp phải có kế hoạch, chiến lược khởi nghiệp gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của mình. Đồng thời, tận dụng và khai thác tốt thế mạnh, lợi thế của địa phương.