Cần thống kê cụ thể mức độ thực hiện, chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(PLVN) - Sáng 25/5, cho ý kiến tại phiên họp tổ của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, một số đại biểu đề nghị làm rõ các con số thống kê, mức độ thực hiện qua từng năm và chuyển biến trong công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) phát biểu tại phiên họp.

Sớm khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) và nhiều đại biểu khác cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CPL) năm 2022.

Các đại biểu cũng đồng tình với nhận định đánh giá của Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH về sự chủ động, quyết tâm, nhận thức và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong THTK,CLP năm 2022, nhất là sau khi QH ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP.

Từ đó đã đem lại kết quả rất khả quan là năm 2022, cả nước đã tiết kiệm được 53.896 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo các đại biểu, đây là tín hiệu tích cực để chúng ta tiếp tục phát huy và hoàn thành mục tiêu THTK,CLP trong năm 2023.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn.

“Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, không để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội và lãng phí nguồn lực quốc gia”, đại biểu nói.

Dẫn chứng, đại biểu cho biết, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã làm cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không đạt mục tiêu mong đợi.

“Theo báo cáo, đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng. Đây là điều rất khó chấp nhận, gây lãng phí lớn đến nguồn lực quốc gia và nguồn lực xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp sớm khắc phục, chấn chỉnh tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ.

Bởi, theo đại biểu, việc lãng phí thời gian, công sức trong thực thi công vụ đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia.

Dẫn câu chuyện TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 đã có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có đến 604 văn bản trả lời, đại biểu cho rằng, trong thời điểm hiện nay, câu chuyện hỏi đáp giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư và TP Hồ Chí Minh không phải là trường hợp ngoại lệ.

“Tôi rất chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của địa phương và cũng rất thông cảm với những trăn trở, vất vả của các bộ ngành trung ương khi phải thường xuyên trả lời các nội dung mà theo các bộ cho rằng đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương. Tôi không đề cập đến vấn đề ai đúng, ai chưa đúng nhưng tôi thấy rằng chúng ta đang lãng phí nguồn lực bởi sự ách tắc này”, đại biểu nói.

Từ bất cập nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp phân quyền hơn nữa, xác định rõ việc của địa phương và mạnh dạn giao cho địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật hiện hành để làm căn cứ triển khai thực hiện.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm vì mục đích vụ lợi cá nhân.

Sớm sắp xếp, bố trí sử dụng các trụ sở làm việc dôi dư

THTK, CLP trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Chỉ ra tình trạng việc rà soát trụ sở các xã dôi dư sau khi sáp nhập, trụ sở của các cơ quan trung ương đóng tại địa phương còn chậm, đại biểu Lò Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm sắp xếp và bố trí sử dụng các trụ sở làm việc dôi dư để tránh lãng phí.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) chỉ ra rằng, tại báo cáo kết quả THTK,CPL trong năm 2021, Chính phủ cho biết, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 29.625 cơ sở nhà đất.

Chính phủ đánh giá tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất chậm. Đến báo cáo năm 2022, Chính phủ tiếp tục cho biết, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước đồng thời tiếp tục đánh giá, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Bên cạnh đó, trong báo cáo năm 2021, Chính phủ đánh giá vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa. Năm 2022, Chính phủ cũng đưa ra nhận định tương tự.

“Báo cáo nhiều số liệu nhưng tản mạn, rải rác, khó nhận định được là chúng ta khắc phục lãng phí ra sao, đến đâu. Đề nghị quan tâm đến các con số thống kê, mức độ thực hiện qua từng năm và chuyển biến”, đại biểu đề nghị.

Ví dụ, theo đại biểu, từ số liệu liên quan đến các trụ sở cần phải sắp xếp, cần làm rõ trong năm 2022, Chính phủ đã thực hiện sắp xếp được bao nhiêu trụ sở, còn lại bao nhiêu chưa sắp xếp, tiến độ thời gian tới ra sao. “Như vậy, khi đọc báo cáo về THTK,CLP, ít nhất chúng tôi cũng hình dung ra bức tranh tổng thể”, đại biểu nói.

Đọc thêm