Cần tìm hướng đi mới cho tủ sách pháp luật

(PLVN) - Là vấn đề đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, thế nhưng những hạn chế về tủ sách pháp luật (TSPL) tại nhiều địa phương hiện vẫn chưa được khắc phục.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông, các TSPL truyền thống đang dần lạc hậu; Ảnh minh họa
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông, các TSPL truyền thống đang dần lạc hậu; Ảnh minh họa

Khi đến nhiều xã, phường, thị trấn của tỉnh Điện Biên, nhất là tại các xã miền núi biên giới, không khó để bắt gặp những bộ sách pháp luật còn nguyên đai, nguyên kiện xếp góc phòng, thậm chí, nhiều cuốn sách trong tủ còn bị bụi, mạng nhện bám đầy trên bề mặt vì đã rất lâu không có người sử dụng.

Ông Lò Văn Thiết, cán bộ hộ tịch - tư pháp xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) cho biết, nhiều năm nay, người dân chỉ quan tâm tìm hiểu pháp luật khi có vấn đề phát sinh liên quan đến họ. Dẫu vậy, trong số nhiều cách tiếp cận, họ lại không chọn đến TSPL. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân ngại đến cơ quan Nhà nước mượn sách hoặc ngồi lại đọc vì không có thời gian. Hơn nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng truyền tải nhiều chính sách, quy định pháp luật, mọi người có thể xem, nghe rất dễ dàng.

Không chỉ là người dân, hiện nay hầu như cán bộ, công chức nào cũng đã có điện thoại thông minh, đến trụ sở làm việc thì có máy tính kết nối internet nên khi cần tìm hiểu thông tin hay tra cứu nội dung liên quan đến pháp luật họ đều dùng mạng internet để cập nhật. Không nhiều người tìm sách để đọc, tìm hiểu các điều luật, bộ luật, các quy định pháp luật qua tủ sách.

Theo sở Tư pháp tỉnh Điện Biên, những năm gần đây, số lượt người đến khai thác, sử dụng TSPL chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Không những thế, cơ sở vật chất, địa điểm phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng TSPL chưa đảm bảo, thuận tiện; sách, tài liệu pháp luật thiếu đa dạng, chưa thu hút được cán bộ, công chức và Nhân dân tham gia tìm hiểu nên dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu khai thác.

Số liệu từ phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho thấy, trong số 942 TSPL (596 tủ sách thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, hệ thống ngành dọc; 220 tủ tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện và 126 tủ cấp xã) thì ngoài các TSPL tại các đơn vị lực lượng vũ trang, trường học thì các TSPL khác cơ bản chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.

Ông Lê Anh Hưng - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho biết: Qua khảo sát của Sở Tư pháp đợt trung tuần tháng 6 vừa qua, đa số các tủ sách chỉ có cán bộ, công chức tại địa phương tham khảo, tra cứu, tìm hiểu, ít khi có người dân tới TSPL đọc sách.

Không chỉ với Điện Biên, tại Phú Thọ, hiện toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có TSPL. Hàng năm, các TSPL của các địa phương đều được cấp kinh phí bổ sung đầu sách mới phục vụ nhu cầu tìm đọc, tra cứu văn bản pháp luật của cán bộ cơ sở và nhân dân. Năm 2017, tỉnh đã cấp trên 900 triệu đồng cho 100% khu dân cư để trang bị đầu sách cho TSPL. Số sách được cấp ở mỗi tủ sách trung bình 400 đầu sách với nhiều loại văn bản, tài liệu.

Thế nhưng việc sử dụng TSPL tại địa phương này cũng còn nhiều hạn chế. Việc TSPL hầu hết được đặt ở trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa khu dân cư và chỉ mở cửa vào giờ hành chính đã khiến việc tiếp cận TSPL của nhân dân không được thường xuyên.

Đối với các xã ở miền núi, vùng sâu của tỉnh Phú Thọ, việc bổ sung tư liệu thông tin, sách báo pháp luật cho TSPL gặp nhiều khó khăn. Một số nơi, khi tài liệu pháp luật được bổ sung đến nơi đã trở nên lạc hậu do cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế.

Không chỉ tại Phú Thọ, Điện Biên, tại nhiều địa phương trên cả nước, TSPL đang bộc lộ rất nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, quản lý và khai thác TSPL là đòi hỏi thực tiễn vô cùng cần thiết để qua đó có thể nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019 về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, trong đó, nổi bật là quy định về xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia. Thế nhưng, sau hơn 2 năm kể từ khi Quyết định trên được ban hành, việc đổi mới trong quản lý và khai thác TSPL tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Thiết nghĩ, các địa phương cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý, khai thác và tìm ra hướng đi mới cho TSPL, để TSPL thực sự trở thành một kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Đọc thêm