Tuy nhiên, một số đại biểu (ĐB) còn băn khoăn về năng suất, chất lượng lao động, đặc biệt sự đóng góp của hàm lượng khoa học công nghệ là hạn chế nên Chính phủ cần quan tâm phân tích kỹ hơn nữa để có giải pháp căn cơ nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đề cập tới việc tiết kiệm trong chi thường xuyên, ĐB Quốc hội cũng chỉ ra rằng chi thường xuyên vẫn rất lớn, tiết kiệm trong chi thường xuyên chưa đáng kể, hiệu quả chi thường xuyên chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra.
“Nếu cứ tiếp tục duy trì phân bổ như hiện nay thì không bao giờ giảm được mức chi thường xuyên xuống để đảm bảo chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả. Vì vậy, để thay đổi được cách lập kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2025 thì ngay từ năm 2019 phải tính xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách theo chỉ tiêu đầu ra” – ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lưu ý.
Bày tỏ trăn trở về hiệu quả sử dụng ngân sách, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) dẫn trường hợp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã hỏng và kiến nghị: “Khi đầu tư nguồn lực thì phải hết sức chú trọng, với những công trình thất thoát, hư hỏng phải xử lý nghiêm để gây dựng niềm tin trong xã hội”, bởi theo vị ĐB này, tiền đầu tư là tiền thuế của người dân, dù đi vay thì về sau phải trả, nên phải sử dụng rất trân trọng”.
Về vấn đề thể chế, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, vẫn có nhiều quy định pháp luật còn “trói”, gây khó dễ cho nhân dân. Vấn đề là cứ mở luật này ra thì lại xuất hiện luật khác mâu thuẫn. Thậm chí, có đạo luật ra đời cảm tưởng như chặt chẽ, ngay cả Luật Đầu tư công thì vẫn có nhiều người kêu…