Cẩn trọng bệnh tật khi giao mùa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những bệnh lý nổi trội, bùng phát đợt cấp vào thời điểm giao mùa thu đông và mùa đông giá rét là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Cẩn trọng bệnh tật khi giao mùa

Bệnh không chỉ của người già

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng tắc nghẽn đường thở nhiều ngày, phổi không hồi phục được chức năng hoàn toàn. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của phản ứng viêm bất thường của đường thở và/hoặc phế nang do phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc hại. Kết quả nghiên cứu trên 7.000 người bị COPD trong 1 năm cho thấy, số đợt cấp COPD xảy ra vào mùa đông gấp đôi mùa hè. Các nghiên cứu cũng chỉ ra COPD đe dọa tính mạng người bệnh nhiều hơn vào mùa đông…

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân gây bệnh COPD, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là khói thuốc lá. Một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho COPD trở nên tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền. Ví dụ, tiếp xúc nhiều với bụi tại nơi làm việc, hóa chất và ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời (bao gồm khói củi hoặc chất đốt sinh khối) có thể góp phần gây ra COPD. Các triệu chứng phổ biến của COPD là ho, đờm kéo dài. Ho lúc đầu có thể là ngắt quãng về sau ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày, ho khan hoặc có đờm, thường về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.

Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD ngày càng có xu hướng trẻ hóa, nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường gia tăng. Bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh, từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Bệnh phải điều trị kéo dài, suốt đời nên gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những người cao tuổi - nhóm tuổi thường hay “nhớ nhớ, quên quên” và hay nhầm lẫn giữa các loại thuốc. Việc không tuân thủ điều trị, không sử dụng thuốc đúng cách khiến mục đích điều trị bệnh rút ngắn - giai đoạn bệnh nặng sẽ đến nhanh hơn. Đây là những sai lầm thường thấy ở nhóm người cao tuổi khi mắc COPD. Vì vậy, bệnh khó cải thiện dứt điểm, thậm chí trầm trọng hơn.

Phòng ngừa như thế nào?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc bệnh COPD phần lớn có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Mọi người, nhất là những người cao tuổi, nên đi khám ngay nếu thấy ho kéo dài, có đờm và khó thở khi lao động nặng để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra. Để phòng ngừa bệnh COPD, không nên hút thuốc lá, thuốc lào. Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. Riêng với người cao tuổi đã mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại…

TS. BS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên - Huế cho hay, trong quá trình xử lý bệnh, người bệnh sẽ được yêu cầu bỏ thuốc lá hoặc hạn chế tiếp xúc với các loại khói. Tuy nhiên sẽ có những loại khói mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường, hay những loại khói còn sót lại trên đồ vật, quần áo... Ngoài ra, những yếu tố dễ gây dị ứng cho đường hô hấp như phấn hoa, lông thú, mùi hóa chất độc hại cũng cần phải được loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sống của người bệnh. Các khu vực có mật độ dân cư và giao thông cao, các khu công nghiệp sản xuất cũng rất khó tránh khỏi không khí ô nhiễm, kể cả đã đóng kín các cửa hay sử dụng điều hòa không khí.

Nhiều người cho rằng, bệnh nhân COPD không nên tập thể dục, tuy nhiên theo bác sĩ Lê Thanh Hải: “Tập thể dục có thể khó khăn hơn ở những người được chẩn đoán bị COPD, nhưng điều này không có nghĩa là họ không thể tập thể dục. Ngược lại, việc tập luyện là một trong những cách tốt nhất để tăng sức đề kháng, giúp cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nên chọn các loại hình tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp như: Đi bộ, tập thiền, yoga… và phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân”.

Bên cạnh đó, người bệnh nên uống đủ và nhiều nước vì việc đó có thể làm dễ thở hơn, nhất là khi bạn có một nhiễm trùng đường hô hấp. “Hãy luôn nhớ rằng, bạn đang mất nước với từng hơi thở ra. Để đảm bảo đủ nước, yếu tố quan trọng nhất là uống nhiều nước. Tốt nhất, nên uống ít nhất 6 - 8 ly nước lọc mỗi ngày. Dùng thêm súp nóng vào mùa đông cũng là một cách tốt để thêm nguồn chất lỏng cho cơ thể. Đặc biệt, những người lớn tuổi mắc COPD càng không nên chờ đợi cho đến khi khát mới uống nước, mà nên chủ động uống đều đặn một lượng nước vừa phải nhiều lần trong ngày, ngay cả vào mùa đông” – TS. BS Lê Thanh Hải đưa ra lời khuyên.

Đọc thêm