Tử hình thì tài sản vẫn thất thoát
Với mục tiêu “thu hồi tối đa lợi nhuận và khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp”, một số Đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình với qui định trên. ĐB Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, không phải lúc nào biện pháp hình sự cũng có thể giúp đạt mục tiêu thu hồi được tài sản trong các vụ án kinh tế.
Nếu để người phạm tội vì mục đích kinh tế sống thì có thể thu hồi được tài sản, đền bù được tài sản bị chiếm đoạt, không để như thời gian qua, nhiều tội phạm vào tù hoặc bị tử hình, còn tài sản thì vẫn thất thoát.
Không đồng tình với phân tích của ông Vinh, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: “Hình thức này chỉ áp dụng cho người nhiều tiền, giàu của, có tiền nộp cũng mua được mạng sống, làm cho pháp luật mất công bằng, méo mó, ngân sách nhà nước rất cần tiền nhưng không phải cần tiền mà bất chấp mọi nguy hại” nên đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo công bằng trong xã hội.
Thậm chí, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) còn thấy qui định đó sẽ “tạo kẽ hở, khuyến khích, dung túng, bao che tội tham nhũng vì có thể dùng tiền để đổi mạng”. Trên thực tế các tội phạm thuộc nhóm tội về tham nhũng, tội xâm phạm quyền sở hữu, tội về ma túy đều có mục đích kinh tế nên ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) lưu ý, nếu không quy định thật chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để phạm tội và lạm dụng, tùy tiện trong áp dụng pháp luật khi xử lý tội phạm.
Vì vậy, để tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể “dùng tiền thoát án tử hình”, Ủy ban Tư pháp cho rằng nên loại trừ người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy; người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.
Không có tiền thì phải đi tù?
Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này để góp phần bảo đảm tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.
ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng thực tế việc thi hành hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ là rất hạn chế, không hiệu quả nên việc Chính phủ đề xuất cơ chế chuyển đổi là khả thi để có cơ chế đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe của hình phạt.
Nhưng một số ĐB vẫn thấy cần phải cân nhắc hết sức thận trọng việc bổ sung quy định này vì đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn (từ không tù thành tù). Từ kinh nghiệm trong công tác xét xử, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho biết, không bao giờ thẩm phán để phạt tiền mà biết rằng người đó không có khả năng thi hành vì đã cân nhắc đến cả khả năng kinh tế của bị cáo nhưng vẫn thấy “việc quy đổi tiền qua hình phạt tù là không thực tiễn và khó áp dụng trên thực tiễn, khó tổng hợp hình phạt nếu người bị phạt tiền không thi hành chuyển sang phạt tù, sau đó phạm tội mới”.
Còn ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) lo ngại: “Nếu không quy định rõ sẽ dẫn đến sự phân biệt tầng lớp người giàu với người nghèo, nhất là trong trường hợp người nghèo do không có tiền thì bị đi tù, còn người giàu thì không bị đi tù”. Do đó, ĐB đề nghị phải làm rõ cách quy đổi “tiền thành tù” một cách hợp lý, nếu không thống nhất thì sẽ dẫn đến tùy tiện.
Bức cung, nhục hình là một trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai nhưng xử lý đối với cán bộ vi phạm còn nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự chưa nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội, hậu quả gây ra.
Vì vậy, ĐB Đỗ Ngọc Niễn cho rằng, để góp phần ngăn chặn hành vi bức cung, nhục hình, tăng thêm tính răn đe của pháp luật cần tăng mức án phạt hoặc hình phạt bổ sung, thu hẹp khoảng cách về án phạt để hạn chế việc lợi dụng xử lý nhẹ với người có hành vi dùng nhục hình, bức cung và phải cấm người phạm tội đảm nhiệm chức vụ suốt đời hoặc ít nhất đình chỉ 5 năm.