Cẩn trọng khi giao quyền tự chủ cho các trường đại học

(PLO) - Quy định giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được nhiều ý kiến ủng hộ. Bên cạnh đó nhiều Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những yếu tố tiềm ẩn cần lường trước.
Bộ trưởng Giáo dục đọc tờ trình Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH

Yếu tố tiềm ẩn khi trao quyền tự chủ

Chiều 30/5, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trao đổi bên hành lang kỳ họp, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu quan điểm ủng hộ việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học như tinh thần trong dự án Luật.

Theo bà Lan, đây là bước tiến giúp nhà trường chủ động trong đào tạo, tuyển sinh, đồng thời đem lại hiệu quả nhất cho chi phí giáo dục. Tuy nhiên nữ đại biểu cũng thừa nhận việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học tiềm ẩn những yếu tố cần phải lường trước.

“Bởi vì liên quan đến chi phí nên các trường sẽ lựa chọn phương án tối ưu nhất, trong khi giáo dục đào tạo là dịch vụ công. Trước khi tính đến lợi nhuận thì đây là loại hình dịch vụ mà nhà nước đảm bảo”, bà Lan nói và cho rằng chính sách như thế có thể ảnh hưởng tới nhóm yếu thế trong việc tiếp cận dịch vụ giáo dục đào tạo. 

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan

Bà Lan cũng nêu ra yếu tố tiềm ẩn về chất lượng quản trị của từng nhà trường. Tuy nhiên đáng lo nhất là chất lượng giáo dục và đào tạo: “Nên tự chủ có lộ trình, hết sức thận trọng bởi sẽ có những rủi ro nhất định trong đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhất là chủ trương tạo điều kiện cho tất cả các nhóm xã hội công bằng tiếp cận dịch vụ giáo dục”, bà Lan đề xuất. 

Về phía Bộ giáo dục, theo bà Lan để đảm bảo chất lượng đào tạo trước tiên phải quản lý về chuyên môn, có chuẩn chất lượng. Ngoài ra có các kênh giám sát khác như tuyên tuyền, thanh tra, kiểm tra điều kiện, chuẩn tự chủ của các trường và dự thảo cần hoàn thiện thêm. 

Cùng quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn Nam Định nêu ý kiến việc giao quyền tự chủ cho trường đại học là cần thiết, trên thực tế nhà nước vẫn hỗ trợ nhưng sẽ có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn. Việc giao quyền tự chủ cho trường đại học cũng sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên đại biểu Thảo cũng đưa ra một số bất cập có thể xảy ra nếu tiến hành tự chủ đồng loạt: “Trong dự thảo luật chưa quy định mô hình tự chủ, cơ quan nhà nước đóng vai trò giám sát thì không trực tiếp can thiệp vào việc tự chủ của nhà trường, như thế dễ xuất hiện tình trạng dôi dư nhân lực ở một nhóm ngành nghề nào đó”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu đoàn Nam Định góp ý để tránh “vỡ trận” khi một nhóm ngành nghề nào đó có nhiều trường lựa chọn, Luật cần bổ sung và quy định rõ các trường phải giải trình trước và sau khi tự chủ. Còn như dự thảo, sau khi tự chủ rồi mới giải trình thì sự việc đã xảy ra rồi mới nêu nguyên nhân là chưa hợp lý. Bên cạnh đó cần quy định thêm năng lực tự chủ đại học vì không thể cùng một lúc trao quyền tự chủ cho tất cả các trường mà cần tự chủ theo lộ trình, theo nhóm trường.

Lo lắng khi để trường tự quyết chỉ tiêu đầu vào

Ở khía cạnh khác, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) lưu ý tới quy định giao cho các trường quyết định chỉ tiêu đầu vào trong dự thảo luật. Đại biểu này nói trong thời gian qua, dư luận quan tâm tới chuyện hàng trăm ngàn kĩ sư, cử nhân thất nghiệp, nguyên nhân do chất lượng đào tạo không đảm bảo và bất cập cung-cầu. Đại biểu Trí lo lắng nếu cho trường tự quyết định chỉ tiêu, nhà trường có thể vì lợi nhuận mà tăng chỉ tiêu đầu vào của một nhóm ngành nghề nào đó để thu hút người học

Liên quan đến quy định chỉ tiêu, đại biểu đoàn Tiền Giang đề xuất: “Chỉ tiêu này cần xét tổng thể trên toàn quốc, cần khảo sát, điều tra doanh nghiệp, người sử dụng lao động xem ngành nghề đó 4-5 năm sau nu cầu thế nào. Trên cơ sở đó Bộ giáo dục phân bổ chỉ tiêu cho các trường”.

Đại biểu Trí lo lắng khi để trường đại học tự quyết định chỉ tiêu đầu vào

Bên cạnh đó để quản lý chất lượng đào tạo, đại biểu Trí đề nghị trong dự án luật sửa đổi cần quy định những trường hợp đào tạo không đặt yêu cầu, không đảm bảo yêu cầu hoặc những trường nào có tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao thì hiệu trưởng, Hội đồng trường đó phải chịu trách nhiệm.